+Aa-
    Zalo

    Xử lý nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” chậm do khó và vướng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc xử lý các trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại trước năm 2005.

    Việc xử lý các trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại trước năm 2005.
    Chiều 29/5, Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố để thống nhất kết luận sau đợt giám sát về việc chấp hành pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị, xử lý nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn.
    Theo đánh giá của Đoàn giám sát, việc xử lý các trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại trước năm 2005 đã được Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thực hiện theo đúng các cơ chế, chính sách quy định của thành phố và pháp luật, đồng thời cũng xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể xuống từng địa bàn với nhiều giải pháp đồng bộ.

    Nhà siêu mỏng trên phố Nguyễn Văn Huyên kéo dài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

    Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, việc xử lý công trình “siêu mỏng, siêu méo,” đến ngày 31/12/2013, còn 192 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại trên địa bàn 9 quận, huyện. Đến nay, các quận, huyện mới giải quyết được 18 trường hợp.
    Đối với các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng khi giải phóng mặt bằng các tuyến đường mới mở (với 442 trường hợp), mặc dù thành phố chỉ đạo ưu tiên hợp thửa, hợp khối nhưng một số quận triển khai kết quả đạt thấp. Tập trung chủ yếu tại các tuyến đường như Kim Mã-Trần Phú, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, đường Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Huyên...
    Bên cạnh đó, công tác quy hoạch chi tiết, thiết kế kiến trúc hai bên tuyến đường mới mở chưa được thực hiện đồng bộ với việc lập dự án, chuẩn bị đầu tư, gây khó khăn cho nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.
    Việc ban hành các quy định quản lý tạm thời đối với các tuyến đường mới mở là giải pháp tạm thời, tuy nhiên nội dung còn thiếu thống nhất.
    Đoàn giám sát cũng khẳng định, việc xử lý nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” là rất phức tạp, khó trong hợp thửa, hợp khối, nhưng qua thực tế kiểm tra cho thấy, trong khi thành phố rất nhất quán và quyết liệt chỉ đạo thì các quận, huyện vẫn còn lừng chừng, lúng túng trong triển khai; một số quận, huyện thiếu kế hoạch, biện pháp, thời gian cụ thể trong việc thực hiện xử lý công trình “siêu mỏng, siêu méo;” chưa chủ động đề xuất hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
    Trong khi đó, Sở Quy hoạch-Kiến trúc cũng chậm tham mưu cho thành phố quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường; các quận, huyện cũng chưa thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý, thiết kế kiến trúc đô thị những tuyến đường, phố có lộ giới dưới 12m, do đó chưa có phương án xử lý đồng bộ các diện tích nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” với thu hồi đất thực hiện dự án mở đường.
    Trước những tồn tại trên, Đoàn Giám sát đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng với sửa đổi, điều chỉnh Quyết định 15/2011/QĐ-UBND cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng, đồng thời nghiên cứu có chính sách khuyến khích các hộ dân hợp thửa, hợp khối để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
    Thành phố cần có kế hoạch cân đối bố trí nguồn vốn, quỹ nhà tái định cư, đặc biệt là phương án xử lý dứt điểm 174 trường hợp còn tồn đọng.
    Đối với các tuyến đã quy hoạch mở rộng, nên rà soát, phân loại để có phương án xử lý trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” cùng với việc thu hồi đất phục vụ dự án; không để phát sinh trường hợp mới…
    Đoàn giám sát đề nghị, thời gian tới, các cấp chính quyền phải tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng phát sinh, đặc biệt phải xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, không để tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại.
    Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở, công khai giấy phép xây dựng để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, nhất là công khai trường hợp vi phạm, quy trình xử lý.
    Đoàn cũng Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất, hợp thửa hợp khối, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng trên cơ sở có tính đến yếu tố đặc thù của Thủ đô, thuận cho cả người dân và chính quyền.
    Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bày tỏ sự nhất trí cao với kết luận của Đoàn giám sát, đánh giá khách quan tình hình từ những tiến bộ trong quản lý trật tự xây dựng, đến những vấn đề còn tồn tại, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa không những ở cấp thành phố mà đến cả cấp phường, xã.
    Lãnh đạo thành phố cho biết, thành phố đã ký hợp đồng với Bộ Xây dựng để xây dựng Bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng trong đô thị nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội vừa bảo tồn và phát triển.
    Xác định nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” là vấn đề tồn tại của tất cả đô thị và là vấn đề rất phức tạp, nhiều yếu tố tác động đến việc giải quyết nên theo ông Thảo, thành phố sẽ thực hiện theo từng bước cụ thể, từng bước đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như quyền lợi của người dân.
    Theo TTXVN
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-ly-nha-dat-sieu-mong-sieu-meo-cham-do-kho-va-vuong-a96436.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.