+Aa-
    Zalo

    Xử lý hình sự hành vi cưỡng bức lao động?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nghe dụ dỗ bằng công việc tốt, tiền lương cao, không ít người phải chịu cảnh lao động khổ sai, không được trả lương, còn chịu cảnh bị nhốt, hành hạ.

    Nghe dụ dỗ bằng công việc tốt, tiền lương cao, không ít người phải chịu cảnh lao động khổ sai, không được trả lương, còn chịu cảnh bị nhốt, hành hạ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định xử phạt hành vi cưỡng bức lao động.

    Bị lừa vì cả tin

    Nguyễn Văn N (28 tuổi, Mường Lát, Thanh Hóa) nhớ lại: Cách đây 2 năm N vào làm việc cho một doanh nghiệp chế biến gỗ ở vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh miền núi với lời hứa hẹn về một công việc ổn định, có mức lương tốt, nhưng kết quả không phải vậy.

     “Ông chủ của tôi đã trả cho người môi giới 600.000 đồng/tháng và thỏa thuận số tiền này sẽ được trừ vào tiền lương hàng tháng của tôi. Hằng ngày họ bắt tôi phải dậy làm việc từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều, tiền ăn của tôi cũng bị khấu trừ vào lương nên hầu như không còn được mấy đồng” - N kể. Không những vậy, cứ về đêm là N cùng với những đồng nghiệp bị giam cầm trong một ngôi nhà khóa kín, có cả camera theo dõi. Bên ngoài nhà máy là hệ thống rào sắt và hồ nước lớn bao quanh.

    “Nhiều công nhân không chịu được cảnh bóc lột đã bỏ trốn, họ bơi qua hồ và có hai người đã bị chết đuối. Một số người bị bắt lại thì bị tra tấn và đánh đập rất dã man” - N nhớ lại.

    Gần nửa năm sau khi bị cưỡng bức lao động, N may mắn trốn thoát, anh báo công an đến giải cứu các đồng nghiệp. Hai năm trôi qua, nhưng ký ức kinh hoàng về ngày bị đi lao động khổ sai, N vẫn không thể quên. Điều này cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của anh, khiến anh sợ hãi không dám đi tìm một cơ hội việc làm mới ở nơi khác, dù ở quê đang thiếu việc làm.

    Mới đây, 3 thanh, thiếu niên ở xã miền núi Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) là Hồ Văn Điếu (14 tuổi); Hồ Văn Đồi (13 tuổi) cùng Hồ Văn Băng (21 tuổi) tố bị một chủ rừng xã Bình Trị (Thăng Bình, Quảng Nam) bóc lột sức lao động.

    Theo lời kể của Điếu và Đồi, vào tháng 7 vừa qua, tin lời giới thiệu của một phụ nữ tên Năm mở quán tại địa phương, cả 3 xuống Bình Trị làm thuê cho một chủ rừng. Công việc nặng nhọc, nhưng hơn 1 tháng chủ rừng không trả lương. Khi hỏi tiền lương thì bị chủ dọa nạt, xin về nhà thì không cho còn bị tịch thu điện thoại. Ngày 14.9 vừa qua, 3 nạn nhân trên đường chạy trốn đã gặp được người giúp đỡ, báo công an hỗ trợ.

    Sau vụ việc này lực lượng Công an Quảng Nam vào cuộc điều tra đã phát hiện, giải cứu thành công nhiều lao động khổ sai khác.

    Lao động tự do là đối tượng dễ bị cưỡng bức lao động (Ảnh minh họa: Lao động di cư  làm xây dựng ở Thường Xuân, Thanh Hóa). 

    Tăng chế tài xử phạt

    Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Mặc dù số lao động bị cưỡng bức ở Việt Nam là không hề nhỏ, nhưng tới nay vì chưa có một thống kê chính thức nào nên cơ quan quản lý nhà nước không thể biết và rất khó cho việc hoạch định chính sách liên quan”.

    Theo ông Bình, hiện Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định nghiêm cấm hành vi cưỡng bức lao động như: Giữ giấy tờ tùy thân, lừa gạt, đặt cọc tiền trước khi ký hợp đồng lao động; khấu trừ tiền lương… Đồng thời Điều 37 Luật Lao động cũng có những điều khoản bảo vệ người lao động trước các hành vi cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt chưa nghiêm nên tình trạng này vẫn lén lút diễn ra.

    “Hiện nay luật hình sự của chúng ta có quy định cụ thể về việc xử phạt với các hành vi mua bán người, tuy nhiên chúng ta lại chưa có bất cứ một quy định cụ thể nào về xử phạt hành vi lao động cưỡng bức. Bộ LĐTBXH đang đề xuất củng cố thêm các chế tài xử lý hành vi cưỡng bức lao động trong luật hình sự sửa đổi” - ông Bình nói.

    Bà Maria Paavilainen - Cố vấn trưởng Dự án hành động chống lao động cưỡng bức khu vực châu Á (ILO) cho rằng: “Nguyên nhân chính dẫn tới cưỡng bức lao động là do các bạn thiếu việc làm bền vững, các doanh nghiệp, ông chủ còn vi phạm Luật Lao động nghiêm trọng. Chính bởi vậy, cần phải đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa pháp luật lao động và pháp luật hình sự”.

    Cũng theo bà Maria, đa số các trường hợp bị cưỡng bức lao động đều là những người yếu thế, như trẻ em, phụ nữ, người nghèo, người hạn chế về trình độ nhận thức.

    ILO đã công bố 11 chỉ số để nhận diện lao động bị cưỡng bức, như: Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động; lừa gạt; hạn chế đi lại; bị cô lập; bạo lực thân thể và tình dục; dọa nạt, đe dọa; giữ giấy tờ tùy thân; giữ tiền lương; lệ thuộc vì nợ; điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng; làm thêm giờ quá quy định.

    Theo báo Dân Việt

    [mecloud]J3Ogjhyrve[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-ly-hinh-su-hanh-vi-cuong-buc-lao-dong-a112001.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.