Sinh ra đã không biết mặt bố, mẹ tâm trí không bình thường nên thường xuyên đi biệt tăm trong nhiều ngày. Vì vậy, Hiền phải bế người em nhỏ mới 14 tháng đến trường.
Hai chị em nương tựa vào nhau để sống. |
Xót xa cũng một kiếp người
Dù đã được người dân hướng dẫn tận tình, nhưng để tìm được nhà của em Nguyễn Thị Hiền (13 tuổi), trú xóm 3, xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian. Nguyên do ngôi nhà cấp 4 của Hiền nằm một mình chênh vênh giữa lưng chừng đồi, phía trước là cánh đồng hoang vắng, nhà hàng xóm gần nhất cũng cách đó hàng trăm mét.
Hỏi mẹ đâu thì Hiền chỉ lắc đầu: “Mẹ đi nhiều ngày rồi cũng chưa thấy về. Em cũng chẳng biết mẹ đi đâu. Có những lúc mẹ đi cả tuần không về, nên em phải chạy đến nhà bà ngoại ăn cơm nhờ. Mấy hôm nay, có một số đoàn từ thiện về cho gạo và tiền, em cũng muốn mua một ít thịt về, nếu có mẹ thì cả nhà vui biết mất”.
Ngôi nhà nhỏ xíu lại quá rộng khi chỉ có Hiền và người em gái mới hơn 14 tháng tuổi sinh sống. Trong nhà không hề có một đồ vật có giá trị nào. Thậm chí, cả chiếc giường nằm ngủ cũng đã hư hỏng. Vì thế, Hiền phải đưa dát giường xuống đất để nằm.
Điều khiến mọi người ngạc nhiên chính là chị em Hiền vốn là cùng mẹ nhưng khác cha. Hồi trẻ, mẹ em đi vào miền Nam lao động, sau một thời gian thì đưa Hiền còn đỏ hỏn, đó là Hiền. Đây cũng là lúc người mẹ trẻ này xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, đầu óc bắt đầu không minh mẫn như trước.
Bà Phan Thị Năm (85 tuổi, bà ngoại của Hiền) thở dài kể: “Hai mẹ con sống với nhau ở trong một túp lều tranh ở sườn đồi. Hằng ngày, mẹ nó đi cắt cỏ thuê kiếm tiền. Sống như vậy được vài năm thì mới đây mẹ nó lại có thai mà chẳng biết bố thằng bé là ai. Sau khi sinh ra người con thứ 2, bệnh tình của mẹ nó cũng nặng hơn, thường xuyên bỏ đi lang thang khắp nơi. Tôi thì già cả, hoàn cảnh lại khó khăn nên không thể làm gì được”.
Mẹ em khi tỉnh táo thì sẽ cho em bé bú sữa, còn khi lên cơn thì thả con nằm một mình rồi lang thang khắp nơi. Vì vậy, từ khi có em nhỏ, mọi việc trong nhà đều do Hiền lo liệu, từ giặt tã, thay bỉm, cho em uống sữa,… Một mùa hè trôi qua như vậy cho đến khi bắt đầu năm học mới. Lúc này, mẹ Hiền cứ sáng sớm là bỏ nhà ra đi cho đến đêm mới về, có đận thì vài ngày. Không còn cách nào khác, Hiền phải bế em đến trước cổng trường nhờ mọi người trông giúp…
Rơi nước mắt chứng kiến cảnh khốn khổ
Vì không có xe đạp, nên Hiền phải đi bộ đến trường. Vai mang túi, tay bồng em, Hiền men theo con đường đất ven làng để đến lớp. Khoảng cách từ nhà Hiền đến trường là 4km, ngày nắng cũng như ngày mưa, Hiền đã đi học cùng em như vậy. May mắn là mới đây, có người thương cho hoàn cảnh của chị em nên đã cho Hiền một chiếc xe đạp cũ.
Đi đâu Hiền cũng phải mang em đi theo do không ai trông. |
Điều đáng nói, ngôi nhà 3 mẹ con Hiền đang sống chưa có nguồn điện, nên khi học bài Hiền phải dùng đèn pin. “Nhà cháu không có tiền để kéo điện, tối về lại trông em nên không học bài được. Cháu ước mong nhà mình có điện như các nhà khác”, Hiền rầu rĩ nói.
Thời gian qua, người dân địa phương bắt đầu quen thuộc với hình ảnh một nữ sinh gầy gò ngồi chơi với em nhỏ tại quán nước trước cổng trường THCS Thanh An, xã Thanh An.
Bà Nguyễn Thị Bình, người bán nước trước cổng trường nhớ lại: “Lúc đó vào khoảng đầu tháng 9/2020, trời nắng như đổ lửa mà tôi thấy Hiền mang balo, bế em khoảng 1 tuổi vào quán ngồi nhờ. Vừa ngồi xuống ghế, Hiền liền xin cốc nước cho em uống nhưng bé vẫn khóc. Tôi nghĩ cháu bé đói nên đưa ra một hộp sữa, sau khi uống xong cháu ngủ ngon lành”.
Sau khi cháu bé ngủ say, thấy Hiền thấp thỏm vào lớp nên bà Bình bảo để đó trông cho. Thế nhưng chỉ được 30 phút bé lại khóc khiến bà phải nhờ người vào gọi Hiền ra. Cứ thế, suốt 2 tháng nay lúc bé ngoan thì Hiền học được 2-3 tiết. Lúc bé khóc, Hiền đành bỏ dở buổi học để trông em.
“Ngày nắng nhìn đã tội. Ngày mưa rét, Hiền mang em đi học càng thấy tội hơn. Cháu nhỏ dù hơn 1 tuổi nhưng do ốm yếu nên vẫn chưa đi được. Hỏi bố mẹ đâu thì con bé chỉ lắc đầu. Vì thế tôi đành phải trông giúp cho Hiền vào lớp học”, bà Bình thở dài.
Thầy Nguyễn Sỹ Chung – Phó Hiệu trưởng trường THCS Thanh An cho biết: “Nhà trường đã tạo mọi điều kiện như miễn toàn bộ các khoản đóng góp cũng như học phí cho em Hiền. Ngoài ra, trường có hỗ trợ gì đều ưu tiên cho em học sinh này. Việc Hiền gửi em ngoài quán nước, nhà trường cũng nắm được. Vì vậy, vào thời gian nghỉ giữa tiết học, các thầy cô, bạn bè cùng Hiền ra thăm nom em”.
Trao đổi thêm về hoàn cảnh của nữ sinh này, ông Nguyễn Cảnh Nam - Chủ tịch xã Thanh An, huyện Thanh Chương, xác nhận hoàn cảnh cháu Nguyễn Thị Hiền rất đáng thương. Sinh ra em không biết mặt bố, mẹ tâm trí không bình thường cứ đi lang thang có khi cả tuần không về nhà. Bà ngoại thì đau ốm thường xuyên nên không thể trông bé được.
“Gia đình cháu Hiền thuộc diện hộ nghèo đã lâu năm của xã, là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở trong vùng. Thời gian qua, bà con trong xóm cũng như các đoàn thể địa phương đã quan tâm giúp đỡ, nhưng hoàn cảnh nhà cháu Hiền quá éo le. Một trong những khó khăn nữa là mẹ của Hiền tuy tâm trí không ổn định nhưng lại không phải là đối tượng tâm thần, nên không được hưởng chế độ”, ông Nam nói.
Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: “Mặc dù đã được hưởng các chế độ nhưng từng đó vẫn là chưa đủ đối với việc cháu Hiền một mình chăm sóc em. UBND huyện sẽ lập tức cử cán bộ xuống phối hợp với UBND xã tìm biện pháp phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho 2 chị em, đồng thời hỗ trợ cho cháu tiếp tục đến trường như bạn bè cùng trang lứa”. |
Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Chủ nhật (43)