(ĐSPL) - Bốn người tử vong, 11 người bị thương - là những con số thống kê trong vụ tai nạn lao động nổ lò hơi xảy ra ở thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình những ngày qua.
Điều đau xót, tất cả những người gặp nạn đều là phụ nữ, họ mang thân phận làm thuê qua từng ngày, để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình…
Dân làng hốt hoảng tưởng… bom
Theo đó, vào khoảng 10h15, ngày 30/10, tại cơ sở chế biến don do vợ chồng ông Tạ Duy Anh (SN 1970, trú tại thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và bà Phạm Thị Lan (SN 1975) làm chủ đã xảy ra vụ tai nạn lao động, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thời gian trên, trong khi những người làm thuê tại đây đang vận hành lò hơi luộc don và sàng lọc don thì bất ngờ lò hơi phát nổ. Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại chỗ, 2 người tử vong tại bệnh viện và 11 người khác bị thương trong tổng số 19 người đang làm việc tại đây. Tất cả những người này đều là phụ nữ làm thuê cho vợ chồng ông Anh.
Hiện trường vụ nổ lò hơi. |
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, người dân địa phương đã có mặt để nhanh chóng đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy. Các lực lượng chức năng cũng lập tức có mặt để tiến hành các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, đồng thời điều tra, làm rõ nguyên nhân của vụ nổ lò hơi kinh hoàng. Thời điểm PV báo ĐS&PL có mặt tại hiện trường, cơ sở chế biến don có diện tích khoảng 100m2 của gia đình ông Anh chỉ còn là một đống đổ nát hoang tàn với những mảnh ngói prô xi măng vỡ vụn vùi lấp cùng gạch vữa ngổn ngang.
Nhớ lại sự việc, ông Hồng – người làm thuê cho một công trình xây dựng cách hiện trường khoảng 50m cho biết: “Lúc ấy, vào khoảng hơn 10h sáng ngày 30/10, tôi và tốp thợ xây đang làm việc thì bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ kinh thiên động địa, đinh tai nhức óc từ cơ sở chế biến don của gia đình ông Anh. Tôi và mọi người vô cùng bàng hoàng và ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi cứ nghĩ đó là bom phát nổ. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng gào khóc thảm thiết phát ra từ hướng đó kèm theo lửa, bụi và khói bay mờ mịt. Tôi và mọi người cùng chạy đến thì thấy rất nhiều người đang nằm la liệt ở đó. Mọi người không ai bảo ai, dùng xe máy chở những người bị thương đi bệnh viện cấp cứu”.
Vẫn theo ông Hồng, khi xảy ra vụ việc, có 2 người đàn ông đi trên một chiếc xe máy đến khu vực chế biến trên thì bị sức ép của vụ nổ hất tung xuống bờ đê nhưng may mắn không bị thương.
Điều mà ai cũng thấy thêm xót thương, đau đớn là các nạn nhân tử vong và phần lớn người bị thương đều là nữ. Bốn nạn nhân nữ tử vong phần lớn hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính trong gia đình.
Lời kể của người trong cuộc
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, định thần lại, mọi người mới biết rằng những người tử vong và bị thương là do lò hơi luộc don bị nổ. Sức ép của vụ nổ phá tung toàn bộ khu chế biến này, lò hơi có trọng lượng từ 1,2 – 1,5 tấn bay theo hình cánh cung rơi xuống khu đất trống của gia đình ông Nguyễn Bá Vĩnh cách hiện trường khoảng hơn 100m. Lò hơi chỉ rơi cách từ đường dòng họ Nguyễn Quang khoảng 0,6m, bức tường bên cạnh bị nứt, cỏ cây xung quanh ngả rạp xuống. Và chiếc lò hơi bị lún sâu dưới một khoảng đất. Còn ống thải khí lò hơi rơi xuống cạnh một con ngõ. Rất may, không ai bị thương khi những vật này rơi xuống.
Lò hơi nặng tới 1,5 tấn văng xa cách hiện trường khoảng hơn 100m. |
Ông Phạm Đình Chiến (SN 1957, trú tại thôn Quang Lang Đoài) nhớ lại: “Lò hơi có kích thước khổng lồ trên rơi cách nhà tôi chỉ vài chục mét. Lúc đó, tôi đang ở trong nhà thì nghe thấy tiếng nổ như bom mìn phát ra với khoảng cách rất gần. Sau đó, một tiếng động giống như một vật gì đó bị rơi làm cho khu nhà tôi rung chuyển. Tôi chạy ra bãi đất nhà ông Vĩnh thì thấy lò hơi đang nằm chình ình ở đó, khói bốc lên nghi ngút”.
Tại bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy, PV đã tìm gặp một số nạn nhân trong vụ nổ lò hơi, hiện đang được điều trị tại đây. Chị Lê Thị Hà vẫn chưa hết bàng hoàng: “Lúc đó, tôi đang nhặt don cách lò hơi khoảng 6 – 7m thì bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ rất lớn, đinh tai nhức óc. Thế rồi gạch đá, tôn văng tứ tung vào người tôi. Tôi may mắn chỉ bị thương và được người dân đưa đi cấp cứu, đằng sau, những người khác nằm ngổn ngang...”.
Một nạn nhân khác, bà Bùi Thị Hiền không giấu nổi vẻ hốt hoảng: “Tôi cũng như bao nhiêu người khác đang làm công việc nhặt don, chế biến don thì xảy ra sự cố. Chỗ tôi cách lò hơi khoảng 10m. Cả khu chế biến đổ sập, nhiều người bị vùi lấp, tôi cố bò ra đến ngoài đường thì được người dân đưa đi bệnh viện. Tội nghiệp những người bị tử vong quá chú ơi...”.
Còn theo chị Đỗ Thị Minh, chị làm tại cơ sở này đã được hơn 2 năm. Từ trước đến nay, lò hơi chưa từng xảy ra sự cố. Đây là lần đầu tiên và hậu quả thật vô cùng tang thương. Trong số các nạn nhân, bà Bùi Thị L. (đã tử vong) là người có hoàn cảnh đáng thương nhất. Chồng bà L. mất cách đây khoảng 11 năm vì bệnh ung thư. Sau đó, bà và các con về nhà bố mẹ đẻ của bà L. sinh sống, điều kiện kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. 19 người làm việc tại cơ sở nhà ông Anh thì đã có tới 15 người thương vong, điểm chung của những người gặp nạn đó là gia đình nghèo khó, phải đi làm thuê làm mướn qua ngày. Ai ngờ, đã có những người phải đánh đổi bằng cả mạng sống để có được miếng cơm, manh áo...
Lò hơi bị nổ vì đun bằng phương pháp thủ công?
Cơ sở chế biến don của ông Anh đã hoạt động được khoảng 4 năm, chuyên luộc don, lấy ruột để xuất khẩu. Theo các nạn nhân trong vụ tai nạn kể trên, mọi ngày, lò hơi dùng để luộc don được đun bằng điện. Và từ ngày vận hành cho đến trước khi xảy ra tai nạn lò hơi này chưa từng gặp sự cố nào. Tuy nhiên, do bị mất điện nên cơ sở này đã dùng máy phát điện để đun nóng lò hơi. Khi xảy ra sự cố, theo nhận định của nhiều người, có thể lò hơi bị nổ do cạn nước, nước từ máy bơm không dẫn vào lò được, dẫn đến hiện tượng áp suất trong lò hơi bị tăng một cách đột ngột và phát nổ.
Là chuyên gia đầu ngành về vật lý, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải cũng đã có mặt tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn để nắm bắt nguyên nhân nổ lò hơi. Bằng sự biện chứng khoa học cùng với kinh nghiệm thực tế, Tiến sỹ Khải cho rằng: “Theo tìm hiểu của tôi, cơ sở này không có điện, dùng máy phát điện, dùng gas hoặc dùng than đốt nồi hơi đều không an toàn do không kiểm soát được nhiệt độ. Thế nên, do không điều khiển được nhiệt độ trong lò nên lò bị vỡ. Hơn nữa, việc vận hành lò hơi đòi hỏi người điều khiển phải am hiểu các kiến thức có liên quan, không thể vận hành tùy tiện được. Những người làm việc tại đây đa số là phụ nữ lao động phổ thông, họ không hiểu rõ được quy trình vận hành nên hậu quả xảy ra thật khôn lường. Đây cũng là bài học đắt giá cho các cơ sở chế biến sử dụng lò hơi, buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn kỹ thuật”.
Nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ tai nạn thương tâm đang được cơ quan Công an tỉnh Thái Bình phối hợp với các cơ quan chức năng khác sớm làm rõ.
MINH SƠN - TIẾN HOÀNG
Xem thêm video:
[mecloud]mumWn5Yg3Z[/mecloud]