"Cha mẹ", hai tiếng gọi thiêng liêng mà đối với những đứa trẻ bình thường là cả bến bờ yêu thương, hạnh phúc.
Còn đối với các em nhỏ tại Trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh lại chỉ là những hình ảnh trừu tượng có thể nói được, viết được mà không bao giờ thấy và hiểu được.
Bé Trí Dũng cách đây 2 năm, sau khi thực hiện phẫu thuật chấn thương sọ não. |
Cách đây 2 năm, nhiều người không sao quên được hình ảnh đứa trẻ 36 tuần thai, da tái xanh, trên người không mặc gì, rốn đã cắt nhưng chưa buộc, cơ thể chỉ nặng 2kg, trên đầu có một vết thương dài 8cm… bị bỏ rơi ở một rặng dừa trên đường Hạ Long, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Người đã phát hiện ra em bé kể rằng khi đi qua đoạn đường vắng, nghe thấy tiếng khóc, nên chị đã quay trở lại, nhờ thế mà tìm thấy em nằm trong túi ni lông bỏ trong bụi rậm.
Một sinh linh bé bỏng vừa ra đời lại bị chính cha mẹ mình chối bỏ, phải tự mình giành giật sự sống. Một em bé mới 2 ngày tuổi phải trải qua 2 lần phẫn thuật chấn thương sọ não cùng các rối loạn kèm theo. Bé được tập thể y bác sỹ gọi với cái tên đầy ý nghĩa: Trí Dũng, có nghĩa là cậu bé kiên cường, dũng cảm.
Hai năm được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, Trí Dũng giờ đây lớn lên từng ngày, hồn nhiên, vô tư là thế nhưng cũng lắm nỗi xót xa.
Đến nay em vẫn không biết nguồn gốc quê quán, ngay cả hình ảnh của đấng sinh thành. Mới chỉ 2 tuổi, nên dù ai nói gì cậu bé Trí Dũng vẫn cứ nhe hàm răng mới mọc được vài cái mà cười rồi một hai chỉ tay vào mẹ Lan, mẹ Mai, mẹ Hồng tại trung tâm mà gọi tiếng “mẹ ơi” trong vô thức.
Chị Nguyễn Thị Mai, phó phòng quản lý và tư vấn trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: “Đối với mỗi cháu ở đây đều có một hoàn cảnh khác nhau, có những gia đình sinh con ra lại nhẫn tâm vứt bỏ con. Khi các cháu vào đây được sống trong môi trường chung nên tất cả các bố, các mẹ trong trung tâm các cháu đều gọi là bố là mẹ chứ các cháu không biết rằng bố mẹ là những người có liên hệ huyết thống trực tiếp với các cháu cùng với khái niệm gia đình các cháu cũng chưa có và sau này khi ra xã hội các cháu cũng sẽ có những mặc cảm, tự ti về bản thân”.
Còn em Ngô Văn Quyết lại có hoàn cảnh rất đáng thương. Em mồ côi cả cha và mẹ, lại mang trong mình căn bệnh HIV, gia đình thuộc hộ nghèo không có người thân nuôi dưỡng. Đến với trung tâm khi đã 9 tuổi, nhưng trong tiềm thức của em hai tiếng gia đình và hình ảnh cha mẹ vẫn chỉ là những khái niệm được dạy trên sách vở.
“Con không biết bố mẹ con là ai, con rất muốn được gặp bố mẹ của con, sau này con thích được làm ra những chú gấu bông để tặng cho các em nhỏ ạ”.
Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc. |
Tuổi thơ của em thiếu thốn tình cảm yêu thương của cha mẹ, nên dường như được trở về bên gia đình, bên những người thân là mong ước lớn nhất của Quyết. Khi nhắc về gia đình của mình, ánh mắt em sáng hơn, giọng nói có chút nghẹn ngào hơn.
“Năm ngoái con được đón về nhà chơi, gặp được 2 bà và các chú các bác, con rất nhớ mọi người. con rất mong mọi người sẽ lại đến đón con”.
Hàng ngày, Quyết học tập và sinh hoạt tại trường học như những bạn cùng trang lứa. Em luôn được các thầy cô nhắc nhở về việc sinh hoạt, chơi đùa sao để tránh xây xước, cùng với việc uống thuốc đúng giờ hàng ngày khiến em trở nên mặc cảm, tự ti hơn về bản thân.
Trường hợp của cậu bé mang tên Bình An bị bỏ rơi ở phường Hồng Hà, Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cách đây 5 năm cũng khiến nhiều người cảm thấy xót xa. Người ta đặt cho em cái tên Bình An với mong muốn cuộc sống sau này của em cũng sẽ được như tên goi, sẽ được hạnh phúc, vui vẻ an lành mãi mãi.
Bởi khi sinh ra, em đã mang một số phận và hình hài đặc biệt, em bị bại não và hai chi dưới teo cơ.
Bình An không thể chạy nhảy, vui đùa, nói chuyện như những đứa trẻ khác, mọi sinh hoạt của em đều ở trên giường. Hàng ngày, nhìn bạn bè vui chơi em lại khẽ cười ngây ngô.
Em không nói chuyện được nhưng có một từ duy nhất e biết nói và gặp ai em cũng nói là chữ “Mẹ”.
Hình ảnh về những người cha, người mẹ của các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt chỉ còn trong tâm tưởng. Nếu được gắn kết lại, cuộc đời của các em như một tập truyện dài nhiều tình tiết thương tâm.
Đa số các em đều thiếu tình thương của gia đình. Điều quan trọng nguyên nhân đưa các em vào hoàn cảnh này lại bắt nguồn từ những lỗi lầm của người lớn, của những người sinh thành ra các em.
Lớn lên không có dòng sữa mẹ, không có hơi ấm của cha, bị gia đình, người thân chối bỏ nhưng các em vẫn may mắn nhận được tình thương yêu của nhiều người cha người mẹ khác tại Trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung giúp các em nhỏ vơi đi những tổn thương và mặc cảm. Đồng thời tạo điều kiện để các em có cơ hội tìm được gia đình mới, được hòa nhập trong cộng đồng và được sống vui vẻ, vô tư như bao đứa trẻ bình thường. Đó cũng là sự an ủi, giúp các em lớn khôn từng ngày./.
Trần Huyền
Nguồn: VOV
Xem thêm video tin tức: [mecloud]ttkCZyrjSD[/mecloud]