Suốt hơn 50 năm qua, người mẹ và đứa con tâm thần của mình sống cách ly với thế giới bên ngoài trong cái nghèo khổ, túng thiếu, tài sản chỉ là một chiếc nồi méo mó, cái chum đựng nước đầy cặn, vài cái bát mẻ cùng những đôi đũa tre như những người rừng giữa cuộc sống hiện đại.
Chạnh lòng với cuộc sống tạm bợ
Theo chân một nhóm thiện nguyện, chúng tôi đến gia đình cụ Nguyễn Thị Loan, (80 tuổi) cùng con trai Bùi Công Hợp (53 tuổi, bị bệnh tâm thần) trú tại khu 6, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.
Suốt mấy chục năm qua, con đường đất vốn được mở bằng tình thương của mọi người trong khu dành cho mẹ con cụ Loan vẫn gập ghềnh đất đá ngập ngụa bùn đất mỗi khi mưa xuống.
Đi qua con ngõ nhỏ sâu hun hút chỉ vừa một người đi là khoảng sân đất được cây cối vây kín. Chú chó già trễ nải “lên tiếng” khi có khách lạ đến chơi. Một bà cụ tóc bạc trắng cùng với tâm lưng “không thể còng hơn nữa” vừa chậm rãi đi ra khỏi cửa nhà và nhìn chúng tôi với ánh mắt dè chừng.
Trước khi đến nhà cụ Loan, chúng tôi đã được những người dân ở đây kể cho nghe về hoàn cảnh của mẹ con cụ, thế nhưng cũng chẳng thể hình dung được còn có những gia đình nghèo như vậy đang sống giữa lòng thị xã này. Đập vào mắt chúng tôi là căn nhà vẹo vọ của mẹ con cụ Loan.
Xung quanh nhà là cánh đồng hoang hoải, trơ gốc rạ chỉ còn cỏ dại đua nhau phát triển. Gọi là nhà chứ nó không hơn một cái lều vịt là bao, có thể sập bất cứ lúc nào. Dù đang là ban ngày nhưng bên trong căn nhà ấy vẫn tối om, chẳng có đèn điện cũng như đèn dầu.
Cụ Loan chỉ mơ ước được một lần hưởng gió mát từ quạt điện trước khi chết |
Nhìn kỹ thì ngoài đống quần áo bẩn được mẹ con cụ Loan dùng để làm giường chiếu và chăn, thì gia tài của cụ chẳng có gì đáng giá. Bên chiếc nồi méo mó, mấy cái bát sứt mẻ, cái chum nhỏ đựng nước mưa và mấy đôi đũa tre tự làm thô kệch.
Phía trước căn nhà là cái bếp được xếp bằng mấy viên gạch cũ đầy tro bụi trên cái sân vẫn còn trơ nền đất. Chứng kiến cuộc sống tạm bợ, khốn cùng của mẹ con cụ Loan khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Lúc chúng tôi đến, mẹ con cụ Loan đang chuẩn bị bữa ăn tối. Mấy bạn nữ trong nhóm thiện nguyện khi đi theo chúng tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến bữa cơm của mẹ con cụ Loan với chỉ một nồi cơm trắng xỉn màu, cùng với bát nước lá bên cạnh.
Không xót xa sao được khi nhìn thấy cảnh người phụ nữ đã đi gần hết cuộc đời mình ăn cơm mà chẳng có nổi một cọng rau hay con cá. Càng xót xa hơn khi chứng kiến người con trai của cụ, anh Bùi Công Hợp mà mọi người hay gọi là anh Dẹt thân hình đen nhẻm, gầy rộc ngây ngô ngồi ăn cơm giữa sân.
Ước muốn nhỏ nhoi
Theo các cụ cao niên trong xóm thì cụ Loan từ khi sinh ra vốn đã ngớ ngẩn và không tinh anh được như những người bình thường. Năm 21 tuổi, qua mai mối, cụ Loan lấy chồng là ông Bùi Công Năng (SN 1934). Hai vợ chồng có với nhau cả thảy 5 mặt con. Do cuộc sống khó khăn đói kém, làm chẳng đủ ăn nên lấy nhau được một thời gian vợ chồng dắt díu đàn con đi ăn xin để kiếm sống.
Mọi người chỉ còn nhớ cách đây khoảng 40 năm, cụ Năng - chồng cụ Loan qua đời do bệnh tật. Đàn con của cụ, đứa thì chết vì đói, người thì chết vì bệnh tật. Người may mắn hơn thì được cụ Loan cho đi làm con nuôi. Đến nay cũng chẳng ai nhớ họ còn sống hay đã chết, đang lưu lạc phương nào vì suốt mấy chục năm qua chưa thấy họ quay trở lại quê hương tìm lại người thân. Chỉ còn anh Bùi Công Hợp sống với mẹ đến bây giờ.
Cách đây hơn chục năm, tận mắt chứng kiến cuộc sống khổ cực của mẹ con cụ Loan khi không có nổi một mái nhà để che mưa che nắng. Một người em họ của cụ Loan đã trích ra 2,4 triệu đồng từ khoản tiết kiệm của gia đình rồi huy động họ hàng xa gần, bà con hàng xóm được tổng cộng 3,4 triệu đồng.
Mọi người không ai bảo ai mỗi người một tay giúp cụ Loan dựng căn nhà chừng 8 m2 để mẹ con cụ tránh mưa nắng. Không nhà bếp, không nhà vệ sinh, chỉ vỏn vẹn một căn nhà “tình nghĩa” 8m2 giữa cánh đồng lúa.
Nói về cuộc sống của người hàng xóm khốn cùng, bà Nguyễn Thị Mai (SN 1939) cho biết : “Tôi hiếm khi thấy bà Loan đi ra ngoài hay đi chợ, dù nhà cách chợ có mấy trăm mét. Mọi người ở đây, chẳng biết mẹ con bà ấy nấu gì, ăn gì. Vì bà Loan không cho ai vào nhà do thường hay tưởng tượng ra chuyện mọi người lấy trộm đồ đạc của mình. Mọi người ở đây có muốn sang thăm hỏi hay giúp đỡ cho mẹ con cụ cũng rất khó. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng thương tình mang gạo, thức ăn đến cho nhưng hầu hết ai đến nhà cũng bị đuổi về. Phải thuyết phục mãi mới được cho vào”.
Cũng theo bà Mai thì anh Hợp bị mắc bệnh thần kinh bẩm sinh, từ bé đã có thói quen đi mò cua bắt ốc. Bất kể trời mưa hay nắng, gió bão hay giá rét anh cũng lặn lội đi khắp đồng trên, xóm dưới mò cua bắt ốc rồi lại quẩy đôi quang gánh đi bộ khoảng 6 đến 7 km để bán. Thế nhưng mọi người ở đây chẳng bao giờ biết mỗi ngày anh bán được bao nhiêu tiền.
Mỗi khi đi bán cua, ốc về thấy quần áo người khác bỏ đi ở bãi rác anh Hợp lại nhặt mang về nhà để nằm. Ngoài thói quen kỳ lạ đó mỗi khi về nhà anh thường nhảy qua cửa sổ để vào nhà chứ không bao giờ đi qua cửa chính.
Chẳng tiếp xúc với ai, anh nhìn những người xung quanh như những người vô hình, ánh mắt ngơ ngác, khuôn mặt nhem nhuốc đáng thương. Nghe bà Mai kể về con trai mình cụ Loan đưa mắt nhìn xuống đất rồi nói với chính mình mà chẳng thèm để ý đến chúng tôi: “Nó đi bắt cua, mò ốc suốt ngày từ bé. Nó thường quẩy một đôi quang gánh, có hôm đi từ sáng đến tối mịt mới về. Khi về, nó hay mang quần áo ở bãi rác để nằm”.
Cuộc sống khốn cùng khiến người phụ nữ đã đi gần hết cuộc đời mình chỉ dám mơ ước đến một chiếc sân bằng xi măng, một chiếc cổng màu xanh, một cái bể chứa nước mưa nhỏ nhỏ để con trai cụ được tắm rửa hàng ngày, trong nhà được mắc điện để cụ một lần hưởng gió mát từ quạt điện. Được như thế có chết cụ cũng mãn nguyện. Thế nhưng chúng tôi cũng chẳng biết cái ước mơ nhỏ nhoi của cụ đến bao giờ mới thực hiện được bởi khi còn phải chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra số tiền để có thể thực hiện được những điều “lớn lao” ấy.
Nói về hoàn cảnh của mẹ con cụ Loan, ông Nguyễn Văn Hấn (SN 1968, trưởng khu 6, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết: “Gia đình bà cụ Loan là một trong những hộ nghèo của khu được hưởng đầy đủ những chính sách của hộ nghèo, mỗi tháng hơn 600 nghìn đồng. Tuy nhiên, do cả hai mẹ con đều không có khả năng lao động nên hoàn cành thực sự khó khăn. Chính quyền và người dân ở khu cũng thỉnh thoảng đến thăm hỏi và động viên, giúp đỡ gia đình bà cụ”.
Theo An ninh thủ đô