+Aa-
    Zalo

    Xót thương cụ già 90 tuổi trong căn nhà tuềnh toàng, dột nát

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) -Đã ngoài 90, cái tuổi mà đáng ra con cháu đề huề, được sống trong sự phụng dưỡng thì bà lại phải một thân một mình vật lộn với cuộc sống trong những ngày cuối đời

    (ĐSPL) - Đã ngoài 90, cái tuổi mà đáng ra con cháu đề huề, được sống trong sự phụng dưỡng thì bà lại phải một thân một mình vật lộn với cuộc sống trong những ngày cuối đời.

    Đó là hoàn cảnh đáng thương của cụ bà Ngô Thị Xấu (90 tuổi), trú tại nhà số 4 kiệt 318, đường Bạch Đằng, TP Huế (Thừa Thiên - Huế).

    Tuổi xuân qua nhanh trong chiến tranh loạn lạc

    Chúng tôi men theo con đường nhỏ vẫn còn ngập nước sau trận mưa chiều dẫn vào căn nhà số 4 kiệt nhỏ 318 đường Bạch Đằng, nơi sinh sống của cụ Xấu suốt 70 năm qua. Sau nhiều lần gọi cửa, phải một lúc lâu sau, cụ mới “bò” một cách khó nhọc từ chiếc giường cạnh góc nhà ra đón khách.

    Cụ Xấu sống trong một căn nhà chỉ như một cái chòi, rộng chưa đầy 20m2, ẩm thấp, lụp xụp khuất sâu trong một con hẻm nhỏ. Căn nhà tuềnh toàng, được che đậy bởi những tấm tôn đã xuống cấp theo năm tháng, trước cửa là những cồn đất cao hơn nền nhà. Hàng xóm láng giềng ai cũng thương và lo lắng cho cuộc sống ở tuổi “gần đất xa trời” của cụ.

    Theo những hộ dân sống gần bên nhà cụ, suốt mấy chục năm qua không thấy cụ Xấu làm nghề gì, chỉ ở trong nhà thui thủi một mình. Những cồn đất trước nhà là hậu quả của những trận lũ lụt từ năm này qua năm khác.

    Căn nhà tuềnh toàng nơi cụ Xấu đang sinh sống.

    “Nhà của cụ Xấu xây từ lâu nên nền nhà thấp hơn hẳn những nhà xung quanh, mỗi khi mưa lụt đến, chúng tôi phải tổ chức đưa cụ đi di tán và cào đất ra khỏi nhà. Qua nhiều năm trời, cồn đất ngày một cao, choáng gần hết lối đi vào nhà”, một hàng xóm sống gần nhà cụ Xấu cho biết.

    Được biết, cụ Xấu là con thứ 2 trong một gia đình có 6 anh chị em, 3 trai 3 gái. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày cụ phải phụ gia đình bằng gánh hàng bánh trái ở chợ Đông Ba. Sống dưới sự cai trị của chế độ cũ, cụ vẫn cố buôn bán dành dụm nuôi 3 người em ăn học đến nơi đến chốn và lo cho cha mẹ già.

    Sau này, cha mẹ mất vì già yếu, chị em gái đi lấy chồng xa, mình cụ lại bươn chải với cuộc sống đời thường hàng ngày bằng gánh hàng chợ. Thời gian chẳng chờ một ai, khi nhìn lại cụ đã trong cảnh quá lứa lỡ thì, tuổi già cũng đã đến.

    Đôi mắt nhìn xa xăm, cụ nhớ lại: “Hồi đó, tôi cũng có chút nhan sắc nên có nhiều người tìm hiểu và ngỏ lời yêu thương, nhưng nghĩ đến cảnh đất nước chưa yên bình, cha mẹ đã già yếu thì hạnh phúc gia đình sao có thể trọn vẹn nên đành chối từ”.

    Những bãi đất sau những đợt lũ lụt đã cao hơn nền nhà.

    Cảnh khốn cùng của thân già cô quạnh

    Vốn là người dân quê, lúc trước phải ở đợ nhà người ta, sau lên thành phố làm công, buôn bán. Khi đã ở phía bên kia của cuộc đời, mấy chị em ruột cũng đã yên bề gia thất, cụ quyết định một thân một mình ở vậy thờ cúng bố mẹ, tổ tiên.

    Không chồng con, nửa thế kỷ trôi qua, cụ đã phải sống trong cảnh lầm lũi một mình. Những lúc ốm đau ngoài trông chờ vào sự giúp đỡ của đứa cháu xa gọi bằng dì và láng giềng, cụ chỉ còn biết co quắp một mình trên giường trong cảnh không thuốc thang, không người chăm sóc. Ngay cả đến chén cháo trắng cụ cũng phải ráng sức vực dậy để tự lo cho mình.

    Sau mấy chục năm trời, thiếu thốn về vật chất cùng với nỗi đau thể xác và tinh thần khiến cụ vốn đã héo hon nay càng trở nên tiều tụy. Thêm vào đó, căn bệnh loãng xương khiến lưng cụ bị còng, đi lại rất khó khăn. Mọi sinh hoạt, thuốc men đều phụ thuộc vào 180.000đ/tháng tiền trợ cấp của chính quyền.

    “Hồi trước, còn chút sức khỏe tôi thường làm bánh lọc, bánh nậm bán. Sau đó, tôi bán cả trứng vịt lộn và buôn chè bán rau kiếm vài ba đồng lẻ lo bữa ăn hàng ngày. Tối về, tôi tranh thủ nhặt nhạnh thêm chút củi vương vãi ngoài đường để chuẩn bị cho những trận gió mùa. Nhưng 10 năm lại đây, sức khỏe yếu đi tôi chỉ biết ở nhà, không buôn bán được gì”, cụ Xấu tâm sự.

    Cụ Xấu lủi thủi trong căn nhà dột nát.

    Khi được hỏi rằng có lo lắng khi sắp sang mùa mưa bão, cụ cười buồn rồi bảo: “Chén cơm, chén cháo thì không lo. Hàng xóm họ thương tôi già côi cút nên cũng hay nhờ đi chợ mua linh tinh rồi cho ăn nhờ, lúc người cho củ khoai, củ sắn, hộp sữa. Giờ căn nhà đã cũ dột nát hết rồi, chỗ nằm ướt tôi chịu được chỉ lo nơi thờ cúng tổ tiên cũng phải chịu mưa như tôi thôi”.

    Rồi đột nhiên vui vẻ, cụ chỉ vô cái tủ cũ và khoe: “Cái này là hàng xóm cho tôi đó. Tổ này nghèo nhưng ai cũng tốt. Nhiều hôm, tôi bệnh nằm một chỗ vì nhà dột nước lũ tràn vô, họ thay phiên nhau đưa tôi “chạy lũ” rồi còn cho cháo ăn, tình nghĩa lắm. Hôm trước, thấy cái bóng đèn của tôi cũ quá, bị hở điện nên chú kia cho tôi bộ bóng mới và còn bày tôi cách chống điện giật khi bị nước vào. Nhà này không còn cái gì là nguyên vẹn hết, ai vứt gì là tôi xin về cái đó nhưng được vài ba bữa là lại hỏng hóc. Thỉnh thoảng họ lại ghé thăm vì sợ tôi ốm đau mà không đi đâu kêu ai được", cụ Xấu chia sẻ.

    Trên khuôn mặt khắc khổ của bà lão ở tuổi ngoài bát tuần vẫn luôn hiện rõ sự lo lắng. “Giờ ở cái tuổi này rồi, tôi chỉ mong sống khỏe chết nhanh thôi. Ốm đau không có tiền khổ lắm, một mình mà…”, giọng cụ như trầm hẳn đi sau câu nói ấy .

    Ông Nguyễn Thứ, tổ trưởng tổ 3, phường Phú Hiệp cho biết: “Cụ Xấu là trường hợp vô cùng khó khăn của địa phương. Sống một mình, lại mắc nhiều bệnh tật tuổi già, không có thu nhập. Hiện tại cụ vẫn phải tự lo cơm nước, sinh hoạt, thỉnh thoảng có đứa cháu gọi bằng dì sang giúp dọn dẹp, đi chợ nấu ăn cho. Bản thân anh em, các cháu và nhân dân địa phương cũng rất nghèo nên biết hoàn cảnh của cụ cũng chỉ có thể động viên bằng tinh thần".

    "Trước đây, tui có viết đơn đề nghị chính quyền thành phố xóa nhà tạm cho cụ, nhưng vì không có ai đứng ra đỡ đầu, con cháu ở xa không có đủ tiền để chi trả vốn đối ứng nên không giải quyết được. Hôm nay, với quyết tâm xóa nhà tạm cho bà, tổ dân phố đã liên hệ với người thân của cụ về quê nhưng hiện tại vẫn chưa đủ tiền nên căn nhà mơ ước của cụ coi như vẫn chỉ nằm trên giấy tờ”, ông Thứ cho biết thêm.

    Tạm biệt bà cụ khi trời vừa nhá nhem tối, khuôn mặt tội nghiệp đăm chiêu ấy phảng phất một nỗi niềm u uất. Rồi đây, cảnh già neo đơn không người chăm sóc trong căn nhà tạm sẽ phải chống chọi với mùa đông sắp tới như thế nào? Khi mà số tiền trợ cấp ít ỏi, không đủ để cho cụ sinh hoạt chứ nói gì tới ước mơ về một ngôi nhà không bị dột nát, tránh được những đợt gió mùa cứ lùa vào then cửa đã rơi đi một nửa...

    Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về:

    - Cụ Ngô Thị Xấu

    Nhà số 4 kiệt 318, đường Bạch Đằng, phường Phú Hiệp, TP Huế (Thừa Thiên - Huế)

    - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung

    Địa chỉ: Số 03 Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

    Tài khoản số: 0191012468008, Ngân hàng Thương mại CP Bảo Việt, Chi nhánh Nghệ An.

     PHẠM TRƯỜNG - ĐÌNH TUẤN

    [mecloud]d7mTf3jo0S[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xot-thuong-cu-gia-90-tuoi-trong-can-nha-tuenh-toang-dot-nat-a115020.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.