(ĐSPL) - Vụ việc một giảng viên trường đại học Ngoại thương mạo nhận có bằng tiến sỹ đứng bục giảng 8 năm đang gây xôn xao dư luận.
Chưa có bằng tiến sĩ nhưng vẫn kê khai
Mới đây, trong thông báo của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương – GS. Hoàng Văn Châu cho biết, ông N.H.M., sinh năm 1976, hiện đang là giảng viên Bộ môn Marketing, khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế được cử đi đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Marketing tại trường Đại học Paris 1, cộng hòa Pháp trong thời hạn 3 năm (từ tháng 9/2002 đến tháng 9/2005) theo Quyết định số 3947/QĐ – BGD&ĐT-TCCB ngày 6/8/2002 của Bộ GD&ĐT.
Đại học Ngoại thương Hà Nội. |
Trong quá trình đào tạo, ông N.H.M. đã được Bộ GD&ĐT gia hạn hai lần theo các Quyết định số 2275/QĐ –BGD&ĐT-TCCB ngày 27/03/2005 và Quyết định số 3372/QĐ - BGD&ĐT-TCCB ngày 4/7/2006.
Ông N.H.M. được tiếp nhận về tiếp tục công tác ở Trường Đại học Ngoại thương từ ngày 1/10/2008 theo Quyết định số 6909/QĐ-BGDĐT ngày 15/10/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Quyết định 613/QĐ-TCHC ngày 15/10/2008 của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh cho thấy, ông N.H.M. chưa bảo vệ luận án Tiến sỹ và chưa được cấp bằng Tiến sỹ như ông N.H.M. đã kê khai.
Việc ông N.H.M. chưa bảo vệ luận án Tiến sỹ và chưa được cấp bằng Tiến sỹ không những gây ảnh hưởng cho ngân sách nhà nước (Đề án 322) mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến Nhà trường, đến sinh viên, học viên cao học.
Ngoài ra, thông báo nêu rõ, để đảm bảo uy tín khoa học của Nhà trường, Nhà trường thông báo đến toàn thể cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên của Nhà trường biết và sử dụng học vị của ông N.H.M. cho phù hợp.
Theo nguồn tin từ báo Giáo dục Việt Nam, nhằm cho ngân sách nhà nước không thất thoát, Trường Đại học Ngoại thương đã có văn bản gửi Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD&ĐT) đề nghị cung cấp thông tin về kinh phí đào tạo của lưu học sinh N.H.M.
Sau khi tiếp nhận văn bản, Cục Đào tạo nước ngoài đã có văn bản đề nghị Đại học Ngoại thương căn cứ các quy định của Nhà nước thành lập Hội đồng xét bồi hoàn đối với trường hợp của ông N.H.M và báo cáo Bộ GD&ĐT bằng văn bản.
Sinh viên lên tiếng
Ngay sau khi thông tin trên được lan truyền trên báo chí và các diễn đàn, rất nhiều người đã tỏ ra bất ngờ và đưa ra những bình luận về vụ việc này.
Độc giả tên Hoàng chia sẻ: "Là một giảng viên thì anh M. nên thẳng thắn và trung thực. Chỉ cần anh làm 1 trong các cách sau đây là đủ. 1. Cung cấp link online của thư viện đại học Paris 1 chỉ đến luận văn tiến sĩ của anh; 2. Cung cấp ảnh chụp bằng tiến sỹ của anh + code ;3. Cung cấp giấy xác nhận đã bảo vệ luận văn thành công có chữ ký của các thành viên hội đồng. Thiết nghĩ các cách trên không tốn quá 5 phút chụp ảnh và upload. Anh không cần phải giải trình gì cả. Nếu anh làm được thế thì anh có quyền kiện ngược lại FTU còn không thì trăm lời nói cũng chỉ vô dụng".
Một sinh viên của thầy lên tiếng: "Chuyện này không biết thực hư thế nào nhưng mình từng được học thầy này hai môn. Thầy rất nghiêm túc, tính tình thẳng thắn, đàng hoàng, dạy rất giỏi, rất có chuyên môn và tâm huyết, không bao giờ nhận phong bì của sinh viên và nói không với tiêu cực".
Tuy không được học thầy song một bạn cũng có ấn tượng tốt về thầy: "Mình không được học thầy, nhưng thấy nhiều thầy cô và các bạn sinh viên trong trường rất yêu quý và tôn trọng thầy. Mọi thứ đều có nguyên nhân của nó. Nếu đúng như những gì mọi người nói về thầy, mình hy vọng thầy có thể giải trình một cách thuyết phục. Còn nếu thực sự là gian dối, thì rõ ràng đây là một lỗi quá lớn và không thể chấp nhận. Mình không biết mọi người suy nghĩ thế nào về vấn đề gian dối, nhưng đối với những người làm giáo viên, giảng viên, dù có dùng bất kỳ lý do gì để biện hộ thì cũng không thể tha thứ".
LINH SAN
Xem thêm video: Bộ Giáo dục đề nghị CA xác minh việc 'chạy điểm vào đại học'