+Aa-
    Zalo

    Xin ý kiến Thủ tướng việc không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống biển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin ý kiến đổ toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 vào khu vực Cảng

    Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin ý kiến đổ toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

    Chiều 9/8, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xác nhận trên báo Dân trí việc đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin ý kiến đổ toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, thay vì xuống vùng biển Tuy Phong như trước đó.

    Theo đó, Bộ TN&MT đã thống nhất với phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất: Toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân; không nhận chìm 1 triệu m3 bùn này xuống vùng biển Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

    Phối cảnh Cảng tổng hợp Vĩnh Tân - Ảnh: VOV

    Trên cơ sở thống nhất với tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan, Bộ TN&MT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất nạo vét xuống khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân trong phần diện tích mà đơn vị này đã thỏa thuận dự kiến cho đổ vật chất nạo vét của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

    Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, lấn biển, chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

    Chiều 9/8, trao đổi trên Báo Giao thông về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đây mới là phương án báo cáo để xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

    Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vì vấn đề này liên quan đến cả tỉnh Bình Thuận và Bộ Công thương nên Bộ TN&MT đã nghiên cứu, báo cáo để Thủ tướng xem xét, quyết định.

    Theo Vnexpress, trước đó, Bộ Tài Nguyên đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu mét khối bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là 31-36 m.

    Đại diện Bộ khẳng định giấy phép nhận chìm mới là căn cứ để chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và các khâu chuẩn bị khác, chưa phải giao biển cho doanh nghiệp.

    Quyết định này vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học và tổ chức liên quan, vì cho rằng có thể xảy ra "thảm họa môi trường". Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá mức độ tác động môi trường nếu thực hiện phương án nhận chìm.

    Tỉnh Bình Thuận sau đó có văn bản gửi một số cơ quan Trung ương và Bộ Tài nguyên đề xuất dùng chất nạo vét san lấp công trình kè biển chống sạt lở ở Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Đề xuất này nhận được sự đồng thuận cao của giới khoa học.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xin-y-kien-thu-tuong-viec-khong-nhan-chim-1-trieu-m3-bun-cat-xuong-bien-a198628.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan