Ngày 23/12, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 13 bị cáo về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại Điều 219, Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo đã từng là các lãnh đạo UBND, sở, ban, ngành của tỉnh Khánh Hòa.
Theo cáo trạng của Viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa, 13 bị cáo đã có hành vi trái pháp luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; cấp giấy chứng nhận đầu tư; thỏa thuận và điều chỉnh phương án kiến trúc làm cơ sở để thực hiện thẩm định giá đất; xác định giá đất để thanh toán giá trị đầu tư; giao đất, cho thuê đất; cấp giấy phép xây dựng…
Hành vi của các bị cáo gây thất thoát tài sản của Nhà nước tại thời điểm ngày 16/2/2016 là hơn 62,6 tỷ đồng, tại thời điểm ngày 5/10/2020 là hơn 324 tỷ đồng (qua định giá).
Ngoài ra, hai bị cáo Đào Công Thiên, Nguyễn Ngọc Tâm còn có hành vi trái pháp luật trong việc bán tài sản Nhà nước thuộc Trường Chính trị tỉnh cũ tại khu đất số 01 Trần Hưng Đạo vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 22 và điểm a, khoản 1, Điều 23, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước số tiền hơn 11,6 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Thắng là người chịu trách nhiệm chính khi trực tiếp ký các quyết định giao dự án cho Công ty Hoàn Cầu (sau này là Công ty CP Thanh Yến) không qua đấu thầu, đấu giá gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Trả lời câu hỏi của HĐXX vì sao lại giao dự án cho Công ty CP Thanh Yến, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng- cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng lúc đầu khi thông báo thầu có thông báo rộng rãi trên báo chí theo quy định và có hai công ty nộp hồ sơ đấu thầu.
“Sau khi nhận hồ sơ bị cáo nhận thấy Công ty Đông Đô không đủ năng lực, bằng chứng là doanh nghiệp này chưa đầu tư dự án nào trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, Công ty Hoàn Cầu lại có năng lực khi đã đầu tư nhiều dự án trên địa bàn, ngoài ra tổ chức các cuộc thi hoa hậu, tài trợ cho tỉnh 8 triệu USD. Từ đó, bị cáo quyết định chỉ định Công ty Hoàn Cầu thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao) ở số 1 Trần Hưng Đạo”, Tri thức trực tuyến dẫn lời bị cáo Thắng.
Cũng theo bị cáo Thắng, lúc bấy giờ bị cáo cũng không rõ mình có quyền được chỉ định nhà đầu tư ở dự án trường chính trị tỉnh hay không.
Trả lời HĐXX về việc khi giao dự án khu đất thuộc trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cho doanh nghiệp xây dựng… dù biết không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của Tp.Nha Trang, bị cáo Thắng thừa nhận thời điểm tháng 6/2015, khi ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Thanh Yến thực hiện dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ - y tế - văn phòng - khách sạn - nhà ở chung cư - Nha Trang Center 2 (nay là Gold Coast), thì khu đất trường Chính trị là đất giáo dục và trái với quy hoạch sử dụng đất Tp.Nha Trang.
Bị cáo Thắng lí giải: “Trong quy hoạch chung TP Nha Trang thì khu đất trường Chính trị sẽ là trung tâm đa năng, không còn là trụ sở cơ quan nữa. Tuy nhiên, lúc đó (thời điểm cấp giấy phép đầu tư) tạm thời chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang. Nhưng bị cáo nghĩ sau này sẽ phù hợp, bằng chứng là năm 2019, toàn bộ khu đất trường Chính trị đã chuyển toàn bộ thành đất ở”, theo Kinh tế& Đô thị.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng bị cáo biết quy trình ngược khi cấp dự án, giao đất dự án rồi mới thực hiện việc bổ sung quy hoạch và điều này là trái pháp luật.
Trả lời HĐXX về nhận thức sai phạm của mình sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bị cáo Thắng cho rằng nếu đối chiếu các căn cứ pháp luật thời đó thì bị cáo thấy bản thân làm không sai, đã căn cứ đầy đủ văn bản pháp luật và cũng tham vấn các sở, ngành liên quan trước khi quyết định chỉ định thầu, giao dự án.
“Khi ký cấp dự án bị cáo đã căn cứ đầy đủ các văn bản pháp luật và cũng tham vấn các sở, ngành liên quan, báo cáo Thường trực, Ban cán sự đảng UBND tỉnh trước khi quyết định chỉ định thầu, giao dự án, cấp giấy phép đầu tư. Nếu căn cứ theo quy định pháp luật thời đó, bị cáo thấy có phần oan ức như cáo trạng truy tố”, bị cáo Thắng cho biết.
Bạch Hiền (t/h)