+Aa-
    Zalo

    Xét xử vụ chạy thận tại Hòa Bình: Làm rõ số lượng 8 hay 9 nạn nhân tử vong

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại tòa, các luật sư đề nghị HĐXX triệu tập cơ quan điều tra để làm rõ số lượng 8 hay 9 nạn nhân tử vong do sự cố y khoa trong chạy thận ở Hòa Bình.

    Tại tòa, các luật sư đề nghị HĐXX triệu tập cơ quan điều tra để làm rõ số lượng 8 hay 9 nạn nhân tử vong do sự cố y khoa trong chạy thận ở Hòa Bình.

    Làm rõ số lượng 8 hay 9 nạn nhân tử vong?

    Ngày 13/6, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phiên tòa xét xử 5 bị cáo trong vụ 9 người chết khi chạy thận, xảy ra ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.

    Đề nghị làm rõ số bệnh nhân tử vong trong sự cố chạy thận tại BVĐK Hòa Bình. Ảnh: Người Đưa Tin

    Theo ghi nhận của báo Infonet, luật sư Bùi Việt Anh (bào chữa cho cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Khiếu) và luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (bào chữa cho cựu Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn) yêu cầu HĐXX triệu tập cơ quan điều tra để làm rõ số lượng 8 hay 9 nạn nhân tử vong do sự cố y khoa trong chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

    Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một công bố chính thức mang tính thống nhất về số nạn nhân tử vong trong sự cố y khoa ngày 29/5/2017.

    Theo hồ sơ vụ án, số nạn nhân tử vong là 8 người gồm: Đinh Thị Thu Hằng, sinh năm 1981, trú tại xã Sủi Ngòi, thành phố Hòa Bình; Bùi Văn Chính, sinh năm 1967, trú tại An Lạc, Lạc Thủy, Hòa Bình; Lê Thị Chung, sinh năm 1959, trú tại phường Tân Hoa, thành phố Hòa Bình; Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1953, trú tại phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình; Bùi Văn Huyển, sinh năm 1971, trú tại Tân Phong, Cao Phong, Hòa Bình; Quách Thị Phượng, sinh năm 1948, trú tại xã Hợp Thanh, Lương Sơn, Hòa Bình; Bùi Văn Pơi, sinh năm 1956, trú tại Địch Giáo, Tân Lạc, Hòa Bình; và Nguyễn Thị Bích Nguyên, sinh năm 1972, trú tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

    Trong khi đó, Bản án sơ thẩm số 08/2019/HS-ST ngày 30/01/2019 do TAND TP Hòa Bình tuyên lại thể hiện có 9 người tử vong do sự cố y khoa này. Thông tin về nạn nhân thứ 9 lần đầu được công bố tại phiên sơ thẩm lần 1 (tháng 5/2018) do luật sư đại diện của các gia đình bị hại đưa ra. Nạn nhân này tử vong sau 6 tháng kể từ ngày xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017. Từ đó đến nay, luôn có sự bất nhất giữa những người tham gia tố tụng khi nói đến số lượng nạn nhân.

    Tại phiên tòa, Luật sư Đinh Hương cho rằng, việc xác định 8 hay 9 người chết ảnh hưởng đến mức độ hậu quả của vụ án. Tính chất, mức độ của vụ án sẽ nghiêm trọng hơn nếu hậu quả nhiều hơn.

    Tuy nhiên, cho đến cuối ngày xét xử thứ hai, 13/6, khi đã kết thúc phần xét hỏi, vẫn chưa thấy HĐXX có động thái triệu tập cơ quan điều tra đến tòa để làm rõ những thắc mắc trên.

    Đặc biệt, khi các luật sư một lần nữa nhắc lại đề nghị triệu tập điều tra viên. Chủ tọa Nguyễn Văn Vận đã tỏ ra gay gắt:

    “Các luật sư muốn làm rõ vấn đề thì phải có công văn đề xuất lên HĐXX để HĐXX triệu tập điều tra viên. Các luật sư gửi câu hỏi đề nghị HĐXX hỏi điều tra viên, luật sư không có quyền yêu cầu thẩm vấn điều tra viên. Nếu thấy cần thiết chúng tôi sẽ triệu tập điều tra viên và luật sư yêu cầu HĐXX hỏi điều tra viên”.

    Đáp lại, luật sư Việt Anh cho rằng các luật sư chỉ đề nghị HĐXX đặt ra câu hỏi đối với điều tra viên chứ luật sư không hỏi. Luật sư cũng cho biết sẽ gửi văn bản đến HĐXX vào sáng hôm sau (14/6).

    Bộ Y tế nêu hàng loạt nghi vấn về kết luận điều tra

    Ngoài các bị cáo, trong phiên xét xử ngày 13/6, đại diện của Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng được mời để làm rõ thêm các tình tiết mới.

    Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Zing.vn

    Tại tòa, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, khẳng định trong vụ án này, Bộ Y tế không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của y bác sĩ BVĐK Hòa Bình mà cho tất cả y bác sĩ đang làm việc trong ngành và tương lai của ngành y.

    Ghi nhận của PV Thanh Niên, ông Quang nhắc lại công văn đóng dấu mật gửi Thủ tướng, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ về việc xuất hiện những tình tiết mới mang tính khoa học về nguyên nhân gây ra cái chết cho các nạn nhân. Đồng thời Bộ Y tế cũng có công văn cung cấp các tài liệu, chứng cứ mới đến các cơ quan điều tra, tố tụng tỉnh Hòa Bình để nêu quan điểm, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm để phạt Hoàng Công Lương về tội vô ý làm chết người.

    Nếu tòa phúc thẩm vẫn xác định tội danh này đối với bị cáo Lương, đây sẽ là tiền lệ vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng rất xấu, gây bất an trong tâm lý đối với các nhân viên y tế.

    Bên cạnh đó, ông Quang viện dẫn tại tòa về một số luận điểm, căn cứ mà Bộ Y tế cho rằng chưa đảm bảo khoa học và cần làm rõ, như: Có phải nguyên nhân nạn nhân tử vong đều do ngộ độc florua khi trên thế giới hiện tượng ngộ độc florua là vô cùng hiếm gặp và cho rằng kết luận điều tra không phù hợp với diễn biến lâm sàng của nạn nhân.

    Ông Quang cũng đặt vấn đề cần phải chứng minh, vì sao trước đó bị cáo Bùi Mạnh Quốc bảo trì hệ thống RO 2 nhưng không gây ra hậu quả? Vì sao những lần trước khi bảo trì hệ thống RO 2 bị cáo Quốc không làm xét nghiệm AAMI mà bệnh nhân không chết? Vì sao BVĐK Hòa Bình không bảo dưỡng cả hai hệ thống trong khi RO 1 và RO 2 thông nhau?

    Bộ Y tế cũng yêu cầu làm rõ vì sao kết luận điều tra chỉ có chất a xít flohydric (HF). Vì sao Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho phép bệnh viện phá bỏ hệ thống RO 2 trong khi đây là vật chứng rất quan trọng của vụ án.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xet-xu-vu-chay-than-tai-hoa-binh-lam-ro-so-luong-8-hay-9-nan-nhan-tu-vong-a279835.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan