Qua kiểm tra, lực lượng công an xác định số cà phê trong kho của Công ty Trường Ngân dùng để thế chấp với 7 ngân hàng có tới 820 tấn tạp chất và gần 5.300 tấn cà phê hư hỏng.
Theo dự kiến, hôm nay (14/9), TAND TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên toà xét xử sơ thẩm 5 bị cáo trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Công ty TNHH Trường Ngân (gọi tắt là Công ty Trường Ngân) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Nam Sài Gòn.
2 bị cáo thuộc Công ty Trường Ngân bị truy tố gồm: Nguyễn Xuân Bình (nguyên Chủ tịch HĐTV) và Nguyễn Đăng Sơn (nguyên Giám đốc).
3 bị cáo nguyên cán bộ Vietinbank chi nhánh Nam Sài Gòn bị đưa ra xét xử, gồm: Phan Công Hiếu (nguyên Phó giám đốc), Phan Viết Kỳ (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp) và Trần Thanh Hải (nguyên cán bộ tín dụng).
Những bao cà phê "rác" trong kho của Công ty Trường Ngân dùng để thế chấp với ngân hàng. Ảnh: Thanh Niên |
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Trường Ngân (trụ sở chính đặt tại quận 4 và văn phòng đại diện đặt tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh năm 2005. Công ty hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có mua bán lương thực, thực phẩm, chế biến nông sản...
Từ khi thành lập đến tháng 1/2012, công ty thay đổi đăng ký kinh doanh đến 6 lần. Đến lần thứ sáu thì Nguyễn Xuân Bình đứng tên là Chủ tịch HĐTV, Nguyễn Đăng Sơn là giám đốc và là người đại diện theo pháp luật.
Trong quá trình hoạt động, liên tiếp trong hai năm 2011, 2012, Công ty Trường Ngân có quan hệ tín dụng với 7 ngân hàng để vay vốn kinh doanh hàng hoá cà phê xuất khẩu.
Đến đầu năm 2012, mặc dù số lượng cà phê của công ty không đủ để cầm cố, thế chấp đảm bảo dư nợ cho 7 ngân hàng nhưng do thua lỗ, cần tiền để trả nợ các khoản vay tại các ngân hàng và sử dụng cá nhân, Bình đã chỉ đạo Sơn sử dụng số hàng hóa là cà phê đã cầm cố, thế chấp ở ngân hàng này tiếp tục cầm cố, thế chấp ở ngân hàng khác; chỉnh sửa các hợp đồng xuất khẩu cà phê để hợp thức hóa nguồn hàng ra nhằm vay tiền các ngân hàng với cam kết sau khi xuất khẩu cà phê sẽ sử dụng bán được trả nợ các khoản vay, nhưng thực tế Bình chỉ dùng một phần tiền trả nợ cũ, số còn lại sử dụng cá nhân.
Cụ thể, hợp đồng thế chấp tại 7 ngân hàng ghi tổng số lượng hàng hóa là gần 21.000 tấn cà phê nhưng trong kho của Công ty Trường Ngân chỉ khoảng 8.600 tấn cà phê (thời điểm tháng 9/2012).
Quá trình điều tra, đến tháng 3/2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định trong kho của Công ty Trường Ngân có gần 1.300 tấn cà phê, 820 tấn tạp chất và gần 5.300 tấn cà phê hư hỏng.
Như vậy, với số lượng hàng hóa không có thật, dùng để đảm bảo, thế chấp chồng chéo giữa các ngân hàng dẫn đến không có khả năng trả nợ, các bị cáo đã chiếm đoạt của các ngân hàng hơn 500 triệu đồng.
Riêng tại Agriabank chi nhánh Lý Thương Kiệt, quá trình giải quyết vụ án, đến tháng 6/2016, ngân hàng này có công văn gửi cơ quan điều tra xác định đã thủ hồi đủ số nợ, không còn thiệt hại.
Nguyễn Xuân Bình (nguyên Chủ tịch HĐTV) và Nguyễn Đăng Sơn (nguyên Giám đốc) của Công ty Trường Xuân trong vụ dùng cà phê "rác" lừa đảo 7 ngân hàng. Ảnh: CAND |
Ngoài ra, hành vi của 2 bị cáo Bình, Sơn lừa đảo chiếm đoạt 71,2 tỉ đồng của Ngân hàng Quân đội (MBBank) chi nhánh Sài Gòn, cuối tháng 8/2018 vừa qua, Tòa quân sự cấp cao xử lưu động tại Tòa án quân sự Quân khu 7 (TP.HCM) đã tuyên y án 18 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Xuân Bình; 6 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đăng Sơn.
Về phía các cán bộ Vietinbank chi nhánh Nam Sài Gòn, cáo trạng xác định các bị can thực hiện giao nhận số lượng hàng hoá hơn 10.509 tấn cà phê, định giá khi cho vay là gần 398 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, sau những lần giải ngân, tính đến tháng 4/2012, số lượng cà phê cầm cố trên hợp đồng là hơn 4.500 tấn, trị giá khoảng 172 tỉ đồng.
Các cán bộ Vietinbank chi nhánh Nam Sài Gòn đã không thực hiện đúng quy định về thẩm định, nhận, quản lý tài sản cầm cố theo Nghị định của Chính phủ ban hành dẫn đến ngân hàng không còn khả năng thu hồi số tiền hơn 5,2 triệu USD, tương đương 109 tỉ đồng.
Được biết, số cà phê thu giữ của Công ty Trường Ngân tại thời điểm tháng 3/2017 được xác định cầm cố, thế chấp cho 6 ngân hàng, cơ quan điều tra đã tiến hành xử lý vật chứng, bán đấu giá, thu được gần 20 tỉ đồng. Sau khi thanh toán chi phí tổ chức đấu giá, số tiền gần 19 tỉ đồng còn lại được chuyển cho Cục thi hành án dân sự TP.HCM để chờ xét xử.
Nguyễn Phượng (T/h)