Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng 21 đồng phạm liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đang diễn ra hết sức gay cấn.
Trong ngày đầu xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng khai trong dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, việc chỉ định PVC làm tổng thầu EPC xuất phát từ chủ trương của HĐQT trong chiến lược phát triển PVN giai đoạn 2015-2025, xây dựng PVN thành tập đoàn đa ngành, đẩy mạnh doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu...
Thậm chí, bị cáo còn khen “PVC có năng lực tài chính, đây cũng là đơn vị tham gia nhiều dự án điện lực dầu khí nên có kinh nghiệm. PVC có đủ năng lực tài chính cũng như kỹ thuật. Căn cứ vào tờ trình của TGĐ nên HĐTV đã cho phép chỉ định PVC làm tổng thầu, việc này theo đúng quy định của pháp luật”...
Trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận: “Trong suốt quá trình điều tra, bị cáo nhận trách nhiệm trước cơ quan điều tra, bị cáo là người đứng đầu, hiện nay nhìn lại bối cảnh, có thể thấy bị cáo có lúc nóng vội, nôn nóng, quá quyết liệt dẫn đến vi phạm”.
Để “biện minh” cho sai phạm của mình và thuộc cấp, trong phần trả lời câu hỏi của luật sư, nhận thức về tầm quan trọng của dự án NMNĐ Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng nói: “Dự án này nằm trong nhiều dự án điện, nằm trong chiến lược phát triển PVN cũng như ngành điện Việt Nam. Trong đó PVN phải đảm bảo 30% sản lượng điện của cả nước. Tiến độ cấp bách nên được Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù để thúc đẩy dự án nhanh tiến độ".
Tuy nhiên, đến ngày xét xử thứ ba, bị cáo Đinh La Thăng khai, tại Công văn số 2120 ngày 20/5/2011 của BQL dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 gửi PVN về việc xin tạm ứng tiền, bị cáo Đinh La Thăng đều không giải quyết vì cho rằng việc tạm ứng tiền không thuộc trách nhiệm của HĐTV cũng như Chủ tịch HĐTV.
“Tôi tôn trọng lời khai của bị cáo Sơn và bị cáo Chương, nhưng việc Tổng Giám đốc (TGĐ) phân công cho các Phó TGĐ không thuộc trách nhiệm của HĐTV nên bị cáo không giải quyết bất cứ đề nghị tạm ứng nào”, bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận việc ép cấp dưới tạm ứng cho PVC.
Ông Đinh La Thăng khai, nguồn vốn để thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gồm 30% vốn của PVN, 70% vốn đi vay nước ngoài. Tuy nhiên, bị cáo khẳng định 30% vốn này thuộc trách nhiệm của Tổng Giám đốc chứ không thuộc trách nhiệm của HĐTV và Chủ tịch HĐTV. Do vậy, ông Thăng đề nghị luật sư hỏi bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ PVN.
Thời điểm triển khai dự án, Oceanbank cho Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC) vay 700 tỷ đồng với lãi suất 5,5%/năm, trong khi thời điểm đó lãi suất chung trên thị trường là 23%/năm.
Trả lời câu hỏi có phải vì PVN góp vốn vào Oceanbank nên PVC được vay ưu đãi, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định PVN và Oceanbank ký thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng các dịch vụ của nhau, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả. Nhưng “chốt lại”, ông Thăng nói “Đây không phải trách nhiệm của tôi, xin luật sư hỏi Tổng Giám đốc là anh Thực!”.
Bị cáo Đinh La Thăng. (Ảnh: TTXVN) |
“Vẽ” hợp đồng khống lấy tiền tiêu Tết
Liên quan đến nhóm tội danh Tham ô tài sản, hồ sơ nêu rõ, ngày 06/01/2012, theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT - TGĐ PVC và Vũ Đức Thuận, nguyên TGĐ PVC, Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó TGĐ PVC đã gọi điện thoại yêu cầu Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC chuẩn bị 5 tỷ đồng để Trịnh Xuân Thanh sử dụng cá nhân trong dịp Tết Nguyên đán 2012.
Ngày 12/01/2012, Lương Văn Hòa đã chỉ đạo Nguyễn Đức Hưng chuyển 6.517.539.600 đồng vào tài khoản công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa để thanh toán hợp đồng khống thi công hạng mục đường phục vụ thi công khu nhà điều hành ban Quản lý dự án và Nhà làm việc ban điều hành tổng thầu tại dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Sau khi nhận tiền, Nguyễn Thành Quỳnh và Lê Thị Anh Hoa giữ lại 977.539.600 đồng (tương đương 15%), chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Lương Văn Hòa 5.540.000.000 đồng (tương đương 85%).
Ngày 13/1/2012, theo chỉ đạo của Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa đưa 5 tỷ đồng cho Nguyễn Văn Kế (lái xe của Nguyễn Anh Minh), Nguyễn Văn Kế giữ lại 1 tỷ đồng để Nguyễn Anh Minh sử dụng và chuyển 4 tỷ đồng còn lại cho Trịnh Xuân Thanh thông qua Nguyễn Đặng Toàn (lái xe của Trịnh Xuân Thanh), còn lại 540 triệu đồng Lương Văn Hòa nộp bù vào quỹ của ban điều hành.
Liên quan đến việc “quà” tiêu Tết như trên, lần lượt các bị cáo liên quan cũng bị gọi lên đối chất. Bị cáo Lương Văn Hòa khai: “Có lần anh Minh gọi điện trực tiếp cho bị cáo yêu cầu chuyển tiền cho anh Minh, có lần chuyển tiền cho anh Hiển. Còn khi bị cáo hỏi anh Minh thì anh ấy nói sẽ có cách bồi hoàn sau, anh Minh nói rằng thực hiện việc này theo chỉ đạo của anh Thanh và anh Thuận”.
Bị cáo Hòa khai tiếp: “Số tiền chuyển khoảng 3-4 tỷ đồng, bị cáo có xin ý kiến anh Minh là tiền đã chuyển về cho lãnh đạo chi tiêu rồi thì việc bồi hoàn như thế nào. Anh Minh chỉ đạo “vẽ” cái gì ra mà làm hợp đồng khống”.
Ông Nguyễn Văn Kế (lái xe của bị cáo Minh) là nhân chứng trong vụ án cũng được HĐXX mời lên đối chất. Ông này khai: “Anh Hòa nhờ tôi chở ra ngân hàng, khi anh Hòa vào ngân hàng, tôi đứng chờ ở ngoài, Lát sau anh Hòa mang ra 1 túi sẫm màu mà ngân hàng hay dùng. Sau đó đi tiếp 1 ngân hàng khác và tôi lại đợi ở ngoài, lát sau anh Hòa mang ra 1 túi to hơn túi trước 3-4 lần. Sau đó tôi chở về cơ quan, anh Hòa bảo tôi chuyển 2 túi này sang xe của Trịnh Xuân Thanh”.
Cũng theo lời khai của ông Kế, nhận chỉ đạo của Nguyễn Anh Minh thì ông Kế tiếp tục chuyển các túi kia sang xe của Toàn, lái xe cho Trịnh Xuân Thanh, nhưng giữ lại 1 tỷ đồng cho Minh chi tiêu.
Phủ nhận việc “cấp dưới” chuẩn bị 5 tỷ đồng để “tiêu Tết”, Trịnh Xuân Thanh khai: “Nguyễn Anh Minh là người bị cáo coi như em ruột. Anh Minh hay lên phòng của bị cáo nói có cần tiền đi chúc Tết hay không. Bị cáo có trả lời “tao không cho mày tiền thì thôi, mày việc gì phải đưa cho tao”. Do đó không có chuyện bị cáo Minh chuyển tiền cho bị cáo để đi chúc Tết như bị cáo Minh đã khai”.
Đối chất với Thanh, bị cáo Minh nói chính bị cáo đã lo cho Thanh 5 tỷ đồng để tiêu Tết. Minh khai: “Trong một lần đến nhà anh Thanh, bị cáo nhìn thấy anh Thanh lấy túi tiền trong tủ ra, bị cáo có hỏi anh Thanh tiền gì mà ghê thế, anh Thanh bảo tiền của Hòa đưa”.
Về phía Trịnh Xuân Thanh thì cho rằng lời khai của bị cáo Minh hoàn toàn vô lý. Bởi cái tủ mà bị cáo Minh nói đến là tủ đựng giày dép nên không thể có chuyện bị cáo để nhiều tiền như thế ở trong đó. Trước khi về chỗ ngồi, Trịnh Xuân Thanh khẳng định: “Không có chuyện tôi nhận tiền, số tiền lớn như thế chắc chắn tôi phải nhớ, không thể quên được”.
Theo cáo trạng, Lê Thị Anh Hoa, nguyên Giám đốc công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa đã cùng với chồng là bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh, nguyên Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, tổng công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng), đã có hành vi giúp sức cho Lương Văn Hòa trong việc lập, ký 4 hợp đồng khống và hồ sơ thanh, quyết toán 4 hạng mục để Lương Văn Hòa rút 13.066.262.471 đồng từ ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch.
Cả hai vợ chồng bị cáo Lê Thị Anh Hoa cùng bị truy tố về tội Tham ô tài sản.
Tư Viễn