Mới đây, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bán rẻ "đất vàng" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, do thẩm phán Vũ Quang Huy ngồi ghế chủ tọa. Bốn kiểm sát viên thuộc VKSND TP.Hà Nội được phân công thực hành kiểm sát tố tụng.
28 bị cáo hầu tòa, trong đó ông Nguyễn Văn Minh- cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty 3/2, bị truy tố cả hai tội danh tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ngoài ông Minh, hai người thân thích của ông cũng hầu tòa, gồm: con gái Nguyễn Thục Anh (bị truy tố tội tham ô tài sản) và con rể Nguyễn Đại Dương (bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí).
Theo hồ sơ bản cáo trạng, năm 2012 và 2013, ông Trần Văn Nam với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký quyết định giao hai khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng công ty 3/2 theo hình thức có thu tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, các bị cáo là lãnh đạo, cán bộ tại Cục Thuế và Văn phòng UBND tỉnh lại tham mưu, đề xuất áp dụng đơn giá từ năm 2006 thay vì năm 2012 để thu tiền sử dụng đất. Hậu quả, ngân sách bị thất thoát hơn 760 tỷ đồng vì không thu đủ tiền sử dụng đất.
Trên cương vị là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2, sau khi được giao khu đất, bị cáo Minh đã nghĩ đến việc biến đất thành sân golf, trường đua,... nhằm liên doanh, chuyển nhượng cho đối tác. Lúc đó, khu liên hợp này chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Các dự án cũng chưa được phê duyệt hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Với động cơ vụ lợi, ông Minh đã sắp xếp để cho Công ty Hưng Vượng (do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT) và Công ty Phát Triển (do bị cáo Nguyễn Thục Anh làm chủ tịch) tham gia liên danh thực hiện dự án.
Quá trình thực hiện dự án, bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng trái phép khu đất 43 ha và 30% vốn góp của Tổng Công ty 3/2 tại Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú sang công ty tư nhân do bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể ông Minh) nắm quyền điều hành.
Liên doanh Công ty Tân Phú được thành lập năm 2010, giữa Tổng công ty 3/2 và Công ty Âu Lạc (nơi con rể bị cáo là Nguyễn Đại Dương nắm quyền điều hành). Lẽ ra, trước khi thành lập liên doanh, ông Minh phải báo cáo cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương nhưng đến khi ký hợp đồng rồi ông mới làm việc này. Ông cho rằng không vi phạm, vì trong hợp đồng có điều khoản nếu sau này Tỉnh ủy không đồng ý thì thỏa thuận sẽ bị hủy.
Cơ quan tố tụng xác định khu đất có trị giá gần 1.400 tỷ đồng bị chuyển nhượng với giá chỉ hơn 250 tỷ đồng.
Các bị cáo là lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh bị cáo buộc đã không ngăn chặn hành vi sai phạm của bị cáo Minh. Thậm chí, một số bị cáo còn hợp thức hóa thủ tục để bị cáo Minh hoàn tất chuyển nhượng tài sản nhà nước sang công ty của con rể mình và bán cho tư nhân.
Hành vi này của các bị cáo gây thất thoát hơn 984 tỷ đồng.
Còn tại khu đất 145 ha, bị cáo đã cố ý tạo điều kiện cho 2 công ty sân sau (Hưng Vượng và Phát Triển) nhận chuyển nhượng vốn góp. Sau đó, ông ta chỉ đạo cấp dưới hợp thức các thủ tục pháp lý để góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty Tân Thành, cố tình loại trừ khu đất 145 ha mà không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Hành vi này gây thất thoát hơn 4.000 tỷ đồng.
Khi được chủ tọa hỏi lý do chuyển nhượng "đất vàng", bị cáo Minh cho biết: "Hai công ty Hưng Vượng và Phát Triển có góp vốn theo hợp đồng liên doanh cùng Tổng công ty 3/2. Tôi nghĩ phải xử lý có tình có nghĩa, nên giữ nguyên đơn giá".
Bị cáo Minh cho rằng trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bị cáo đã xin chủ trương từ Tỉnh ủy Bình Dương, tuy nhiên hiện tại không còn nhớ rõ do thời gian thực hiện đã từ rất lâu.
Theo bị cáo, bản thân làm kinh doanh nên có những suy nghĩ rất đơn giản, thấy việc nào khả quan và có lãi thì thực hiện.
Bị cáo cũng cho rằng, với việc Tổng công ty 3/2 nhận khu đất từ UBND tỉnh Bình Dương với đơn giá 51.000 đồng/m2, sau đó chuyển nhượng cho công ty liên doanh với con rể với giá 570.000 đồng/m2, tức là đã lãi hơn 10 lần.
Bạch Hiền (t/h)