+Aa-
    Zalo

    Xem xét đưa 3 dự án ngành Công Thương ra khỏi diện yếu kém ngay trong tháng 8/2020

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 3 dự án DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước được đề xuất đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo, xử lý nhóm các dự án yếu kém.

    3 dự án DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước được đề xuất đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo, xử lý nhóm các dự án yếu kém ngành Công Thương ngay trong tháng 8/2020.

    Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại phiên họp thứ 11. Ảnh: Thời đại

    Sáng ngày 19/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty.

    Tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp, ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý một số dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ.

    Phương án xử lý phải khả thi theo nguyên tắc các doanh nghiệp, chủ đầu tư chủ động, chịu trách nhiệm xử lý theo thị trường; Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án; quan tâm toàn diện, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an ninh và an toàn xã hội…

    Qua thảo luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng và các thành viên ban chỉ đạo đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ngay trong tháng 8 về việc đưa 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo, xử lý của ban chỉ đạo.

    Các tập đoàn, tổng công ty chịu trách nhiệm toàn diện về việc xử lý các dự án, doanh nghiệp của mình, bảo đảm phù hợp với các quy định. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chức năng giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các tập đoàn có dự án, doanh nghiệp trên theo quy định của pháp luật.

    Phó Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư, tập đoàn, tổng công ty phải xử lý dứt điểm các tranh chấp hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - cung ứng vật tư thiết bị - xây lắp) của 5 dự án, doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đó chủ đầu tư, tập đoàn, tổng công ty phải đánh giá, xem xét kỹ các phương án xử lý khả thi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2020.

    Các bộ, ngành và cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp thuê tư vấn độc lập để định giá, bảo đảm đánh giá trung thực khách quan, đúng giá trị thực của tài sản các dự án và đúng pháp luật để làm căn cứ xây dựng phương án xử lý dứt điểm đối với các dự án đang còn chưa quyết toán hợp đồng EPC.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xem-xet-dua-3-du-an-nganh-cong-thuong-ra-khoi-dien-yeu-kem-ngay-trong-thang-82020-a335724.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan