(ĐSPL) - Một chiếc xe tải chở gỗ mất phanh khi đang đổ dốc đã đâm vào 3 xe máy rồi làm 1 người tử vong rồi lật ngang trên đường.
Theo tin tức trên báo Tiền Phong, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17h ngày 27/11, tại thôn Cẩm Tây, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước (Quảng Nam).
Vào thời điểm này, chiếc xe tải mang BKS: 92C - 098.00 chở gỗ keo do tài xế Nguyễn Lộc (trú xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) điều khiển, lưu thông theo hướng xã Tiên Sơn - TP Tam Kỳ.
Khi chạy đến địa điểm trên, xe tải đổ dốc Nước Nhĩ thì mất phanh đã đâm liên tiếp vào 3 xe máy của các anh Phan Đình Nhất (49 tuổi), anh Lê Kim Sửu (31 tuổi) và Trần Văn Thắng (31 tuổi) đang lưu thông theo hướng ngược lại.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Tiền Phong. |
Báo Vietnamnet đưa tin, sau cú đâm mạnh, anh Thắng tử vong tại chỗ, anh Sửu gãy xương vai, còn anh Nhất bị thương nhẹ.
Trước khi lật nằm chắn ngang đường, chiếc xe tải tiếp tục lao vào máy xay xát gạo của gia đình ông Phan Đình Hòa (55 tuổi, trú cùng địa phương). Cùng lúc này, 2 học sinh đứng trong sân nhà bị gỗ văng trúng nên bị thương nặng ở chân.
Cả 4 nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu. Ghi nhận tại hiện trường, 3 xe máy bị hư hỏng nặng.
Sau khi xảy ra tai nạn, Công an huyện Tiên Phước đã có mặt tại hiện trường khám nghiệm và điều tra nguyên nhân.
Chương XXI, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Bộ luật Dân sự 2005) Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. 2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó. Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại 1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. 3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng nên chỉ mang tính chất tham khảo. |
BẢO KHÁNH (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]h836Nk5UIK[/mecloud]