(ĐSPL) – Thời điểm cây cầu bị sập, trên xe tải ngoài tài xế còn có một số người ngồi trên thùng nhưng may mắn, không có thương vong về người.
Báo Dân trí dẫn lời ông Bùi Văn Thái, Trưởng Công an xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) cho biết, vào khoảng 16h30 ngày 29/11, xe ô tô tải mang BKS: 22L - 5097 chở sắn quá tải trọng đi vào cầu Máng thuộc xóm Phung 1, xã Ngọc Mỹ, khiến cầu bị sập 1 nhịp. Cả xe đầy sắn lao xuống suối.
Rất đông người dân tập trung gần hiện trường tai nạn. Ảnh: Dân trí |
Khi xảy ra tai nạn, trên xe ngoài tài xế là anh Nguyễn Quang Dương (SN 1981, trú huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) còn có một số người ngồi trên thùng xe. Thấy cầu yếu có biểu hiện nguy hiểm, mọi người đã hô hoán nhau nhảy xuống trước khi cầu sập nên thoát chết. Tại hiện trường, chiếc xe tải cắm thẳng đầu xuống suối theo chiều thẳng đứng.
Được biết, cầu Máng được xây dựng từ năm 1980, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu có 3 nhịp, nay đã sập một nhịp.
Trước đó, thông tin từ báo Công an TP HCM cho hay, vào khoảng 16h15 ngày 29/9, tại cầu Ông Điền (nối liền hai khối Hà My Đông A và Hà My Tây, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn), xe tải BKS: 92C-03715 khi đang lưu thông qua cầu trên thì bất ngờ cầu gãy đôi và xe tải cũng bị rơi xuống sông. Rất may tài xế xe này đã kịp thời thoát khỏi xe và lên bờ an toàn.
Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định: "Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm." Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Ngọc Linh (tổng hợp)
[mecloud]c3LIlUK0f8[/mecloud]