Xe khách vẫn tiếp tục chạy xuyên tâm TP. Hà Nội cho dù Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo bắt buộc phải chấm dứt trước ngày 1/10/2016. Chỉ đạo rõ ràng như vậy, nhưng không hiểu vì lý do “tế nhị” nào Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa thực hiện được?
“Cơn điên loạn” của giao thông thủ đô
Dường như, mọi quyết tâm giảm ùn tắc giao thông của UBND TP. Hà Nội đã gặp phải rào cản lớn nhất từ cấp dưới của mình là Sở GTVT Hà Nội. Đó cũng là lý do mà trong bất kỳ cuộc họp Hội đồng nhân dân gần đây, vấn đề giao thông được cử tri đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, giải pháp có, lời hứa trước cử tri có, nhưng Sở GTVT vẫn không chịu hành động cho “có đầu, có đũa”. Giao thông Hà Nội vẫn tiếp tục trở thành cơn điên loạn tập thể hành hạ nhưng người dân vốn dĩ từ lâu đã sợ ra đường, nhưng không có một sự chọn lựa nào khác. Cứ nhìn cái hình ảnh dòng xe xếp kín đường vành đai 3, kéo dài như vô tận là đủ hiểu Sở GTVT Hà Nội đã làm được gì cho người dân.
Xe khách vẫn chạy xuyên tâm Thành phố |
Trở lại, với việc Sở này chống lệnh của Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung xe việc phải chấm dứt xe khách chạy xuyên tâm vào hạn chót 1/10 đủ để thấy năng lực và sự chấp hành mệnh lệnh xuống thấp ở mức nào. Cũng xin được nhắc lại ngày 20/7/2016, Chủ tịch UBND TP đã chủ trì cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND TP về Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết đối với một số tuyến có hành trình chạy thông qua địa bàn thành phố và Công tác sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến, phương tiện từ BX Mỹ Đình về BX Nước Ngầm.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, đây là quy hoạch và cần phải làm cấp bách. Sở GTVT là đơn vị thay mặt thành phố quản lý, thực hiện quy hoạch trên lĩnh vực giao thông - vận tải, trong đó có vận tải hành khách liên tỉnh thì không thể vì lợi ích của vài DN kêu mà trì hoãn hoặc làm khác chủ trương được.
Về việc xe khách cấp “nốt” hỗn loạn tại các bến xe và chạy xuyên tâm như hiện nay, ông Chung cho rằng, do thời gian qua Sở cấp sai, chồng chéo quá nhiều nên không kiểm soát được. Quy trách nhiệm trực tiếp cho việc này, ông Chung thẳng thắn phê bình ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội (phụ trách mảng vận tải hành khách liên tỉnh) chưa hoàn thành nhiệm vụ.
“Tôi nói với anh Linh, anh là Phó giám đốc Sở phải chấp hành chủ trương, chỉ đạo của thành phố. Tôi yêu cầu anh Viện (Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện - PV) điều chuyển anh sang lĩnh vực khác nhưng anh Viện bảo anh Linh sắp về hưu nên chưa thực hiện. Nhưng quan điểm của tôi, một ngày còn làm việc thì phải làm cho nghiêm túc, phải đặt quyền lợi của thành phố lên trên hết. Bộ máy thành phố không thể có chuyện trên bảo dưới không nghe. Ngoài sai phạm, anh Linh còn đang thể hiện chống lệnh”, ông Chung nhấn mạnh.
Sau cuộc họp, UBND TP đã có Thông báo số 816/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung về vấn đề trên. Cụ thể: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giao Sở GTVT chủ trì xử lý xe xuyên theo lộ trình giảm dần vào tháng 8, tháng 9 và chấm dứt vào ngày 1/10/2016.
Và giờ đây, khi thời giạn chót theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Chung đã lùi xa hơn 2 tuần thì đây không chỉ còn là nỗi bức xúc xe khách chạy xuyên tâm thành phố. Đó là trách nhiệm của giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện. Giao thông thủ đô tiếp tục rơi vào cơn điên loạn tập thể mà tác nhân chính không ai khách là Sở GTVT Hà Nội.
Tại sao chỉ đạo Chủ tịch TP không thành hiện thực?
Có một điều gì đó không ổn, tựa như lợi ích nhóm đang ẩn hiện ở Sở GTVT xoay quanh câu chuyện sắp xếp luồng tuyến xe khách ở thủ đô. Nó không thực sự rõ ràng, nhưng chỉ nhìn vào cách Sở này cố thủ, cố đi ngược lại lợi ích của người dân là đủ thấy có vấn đề.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp vận tải đã có phản ánh gửi tới chính quyền Hà Nội, Bộ GTVT về sự bất thường và những nghịch cảnh trớ trêu đang diễn ra xoay quanh vụ việc nổi cộm này.
Chủ tịch Hà Nội: Không để xe khách chạy xuyên tâm thành phố. |
Các doanh nghiệp này đang hết sức bức xúc vì trên tuyến Hà Nội - Nghệ An hàng chục năm nay đang tồn tại một thực tế bất công "kẻ ăn không hết kẻ lần chẳng ra". Năm 2007, tất cả các xe khách tuyến Hà Nội - Nghệ An được Cục đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội điều chuyển về bến xe Nước Ngầm.
Nhưng sau đó, phần lớn số xe này lại được Sở GTVT Hà Nội cho về bến Mỹ Đình. Sở GTVT Hà Nội lại cho mở thêm nhiều nốt, nhiều xe chạy tuyến Nghệ An - Hà Nội vô bến Mỹ Đình hoạt động. Các xe được đến Mỹ Đình có thể bắt khách, đón khách dọc đường, lập bến “dù” (đoạn bến xe Nước Ngầm – Mỹ Đình và ngược lại). Doanh nghiệp đổ xô mua xe để vô bến Mỹ Đình dù có phải mất nhiều tiền chạy chọt, mua nốt. Nói một cách dễ hiểu, chỉ cần “vợt” thêm được 3-4 khách là họ đã đủ tiền dầu cho cả chặng đường từ Nghệ An ra Hà Nội.
Còn những nhà xe ở Nước Ngầm, do nghiêm chỉnh chấp hành quy định không đón khách, bắt khách ngoài bến nên chịu rất nhiều thiệt thòi, luôn phải chấp nhận chịu cảnh ít khách hơn dù cũng đầu tư phương tiện, con người như nhau, dù cùng làm ăn trên một tuyến. Đó chính là kiểu cạnh tranh không lành mạnh, gây nhiễu loạn thì trường vận tải hành khách, gây mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông.
Một chi tiết hết sức quan tâm: Trong phản ánh, các doanh nghiệp đã đưa ra nghi vấn đã có sự kêu gọi cùng chung tay “lo lót” nhằm để các xe khách Nghệ An được tiếp tục ở lại Mỹ Đình? Chính vì thế, ngoài việc đề nghị là rõ nghi vấn trên, các doanh nghiệp kiến nghị: Nếu Sở GTVT Hà Nội giữ các xe Nghệ An ở lại Mỹ Đình thì hãy cho tất cả xe khách Nghệ An ở các bến khác được cùng về đây, có như thế mới đảm bảo cạnh tranh công bằng, tránh bất công!
Phải chăng họ sợ nhưng cuộc cạnh tranh lành mạnh về giá cả và chất lượng phục vụ với các doanh nghiệp cùng tuyến vốn lâu này tuân thủ đúng pháp luật và quy hoạch? Họ ỷ vào những cuộc vận động hành lang để níu kéo việc chuyển bến dù phải đổi lộ trình, nhằm thu lợi và phá vỡ nhiều giá trị, trong đó có cuộc sống bình yên trên đường của người dân? Để làm được việc đó, không chừng đã có những khoản “lót” tay mới khiến Sở GTVT liên tục lừng khừng và cố tình làm trái như vậy?