Phải thực hiện ngay, không thể chậm hơn
Phát biểu định hướng phiên họp đề xuất khung Luật Học tập suốt đời được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định vai trò của học tập suốt đời. Thứ trưởng chia sẻ: Học tập suốt đời không bao giờ là đủ và hết sức cần thiết. Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước với nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác khuyến học, khuyến tài và gần đây nhất là cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
“Thời gian qua, có rất nhiều kế hoạch, đề án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Đến thời điểm này, những chương trình, đề án đó cần được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập. Luật hóa để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định.
Tại phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, nêu ý kiến về cơ sở xây dựng Luật Học tập suốt đời; kinh nghiệm quốc tế; thực trạng triển khai xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời hiện nay; các điều kiện đảm bảo tính khả thi thực hiện khi xây dựng và ban hành luật…
Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Luật Học tập suốt đời, PGS.TS Tô Bá Trượng, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng đây có thể là cuộc cách mạng thay đổi giáo dục và đào tạo, bởi nếu có luật thì thay đổi nhận thức của cả xã hội về học tập suốt đời.
Do đó, tư tưởng và nhận thức vai trò của luật phải được thông suốt từ trung ương tới địa phương. Muốn làm được điều đó thì cần đặc biệt chú ý các điều kiện thực tế ở địa phương về tài chính, nhân sự vận hành phải được thông tỏ và quan tâm hơn.
Ở góc độ giáo dục đại học, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong bối cảnh môi trường số, công dân toàn cầu hiện nay thì vấn đề xây dựng Luật Học tập suốt đời cần phải thực hiện ngay và không thể chậm hơn được. Bởi mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người, tạo điều kiện và dẫn dắt cho mọi người được học tập khi môi trường của giáo dục hiện nay là môi trường mở, linh hoạt và không giới hạn.
Nhìn nhận tầm quan trọng, cần thiết của Luật Học tập suốt đời, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn Phan Mỹ Hạnh nêu quan điểm cần sự thống nhất chặt chẽ để đảm bảo sự liên thông trong giáo dục, giúp cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các cấp cũng như các hình thức, mô hình trong quá trình giáo dục.
Ngoài ra, cần có những chính sách khuyết khích đối với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện cung cấp các chương trình cho người học cũng như đảm bảo quyền bình đẳng được tiếp cận giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, và người yếu thế.
Học tập suốt đời là yêu cầu, xu thế tất yếu
Liên quan đến việc xây dựng Luật học tập suốt đời, báo Giáo dục & Thời đại dẫn lời PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, học tập suốt đời ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới không còn là khái niệm hay những nghiên cứu đơn thuần, mà trở thành chìa khoá quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trước yêu cầu của nền kinh tế kết nối, học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững, chìa khóa của mọi thành công. Đây là hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, nhân văn, bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Xác định mô hình học tập suốt đời là yêu cầu, xu thế tất yếu ở Việt Nam và thế giới, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội đề xuất, Chính phủ cần xây dựng chính sách, đảm bảo huy động tối đa nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia tích cực của giới tri thức và cộng đồng xã hội, sự tham gia có trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, hệ thống giáo dục mở để xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở với sự quản lý, điều phối của Nhà nước. Qua đó, nhằm đảm bảo tính pháp lý, lợi ích chung và chất lượng giáo dục.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Khánh Đức - giảng viên cao cấp ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, xây dựng Luật Học tập suốt đời phù hợp với xu hướng phát triển của cá nhân và xã hội hiện đại. Đồng thời, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Từ đó, tạo ra hành lang pháp lý và các thiết chế thống nhất về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này. Mặt khác, khắc phục một phần hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay đối với các loại hình giáo dục thường xuyên, không chính quy và phi chính quy.
Theo bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), Luật Học tập suốt đời cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng về học tập suốt đời và xã hội học tập, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Về định hướng lâu dài trong các bước tiếp theo của tiến trình xây dựng văn bản pháp quy, Luật Học tập suốt đời cần được xây dựng như một luật chi tiết với các quy định cụ thể, tường minh dành cho lĩnh vực học tập suốt đời để có thể dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, không nhất thiết phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.
Luật Học tập suốt đời tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.
Trước đó, vào tháng 4/2022, tại Nghị quyết chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã giao nhiệm vụ Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự án luật Học tập suốt đời trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt, báo Thanh niên đưa tin.