(ĐSPL) - Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND TP.HCM triển khai thực hiện hai dự án “Xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn” và “Xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm” theo lệnh khẩn cấp, cấp bách.
Thông tin trên báo Infonet, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Nhiều đoạn đường dẫn vào sân bay thường ùn tắc giao thông. |
Theo công văn này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND TP.HCM triển khai thực hiện hai dự án “Xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn” và “Xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm” theo lệnh khẩn cấp, cấp bách, theo Khoản 2, Điều 43, Nghị định số 59-2015 của Chính phủ.
UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, không để thất thoát lãng phí, tiêu cực và đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông.
Báo Sài Gòn giải phóng đăng tải, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện các công trình khẩn cấp của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Theo đó, về việc thanh toán nợ khối lượng đã hoàn thành của các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, đồng ý ứng trước kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GT-VT hơn 471 tỷ đồng cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để thanh toán nợ khối lượng hoàn thành của công trình xây dựng mới 3 cầu: Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu và công trình xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 Kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp. Về một số cầu đặc biệt yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của bộ để xây dựng 6 cầu và gia cố, xây trụ chống va cho 2 cầu.
Điều 5. Nguyên tắc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Nghị định Số: 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ) 1. Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch giao thông vận tải và các quy hoạch khác liên quan. 2. Được lập cho ít nhất 10 năm và định hướng phát triển cho ít nhất 10 năm tiếp theo. 3. Quy hoạch quốc lộ, đường tỉnh đi qua đô thị phải theo đường vành đai ngoài đô thị hoặc xây dựng đường trên cao hoặc đường ngầm. 4. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị phải bảo đảm quỹ đất theo quy định tại Điều 8 Nghị định này và phải có đường gom, cầu vượt, hầm chui tại các vị trí phù hợp để bảo đảm an toàn giao thông. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Xuân Tùng (Tổng hợp)