Truyền thông thương hiệu trong đại dịch - thách thức và cơ hội
Khác với thời kỳ trước khi có dịch COVID-19, nếu như trước đây doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất, phát triển, lo đối thủ cạnh tranh thì giờ đây, nỗi lo hiện hữu và khó khăn hơn rất nhiều đó là không có người mua, khách hàng ngại chi tiền, ít có nhu cầu hơn với các mặt hàng không phải là thiết yếu.
Tâm lý này kéo theo những khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác truyền thông, khi người ta có tâm lý e sợ, thậm chí không có nhu cầu quan tâm đến sản phẩm và thương hiệu. Việc kích thích nhu cầu, gợi mở tâm lý và lôi kéo sự quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm và thương hiệu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, đa số doanh nghiệp đều cắt giảm ngân sách quảng cáo trên tất cả các kênh từ OOH (quảng cáo bên ngoài) đến các kênh truyền thông (media) truyền thống và cả kĩ thuật số (digital). Tuy nhiên, đây cũng là lúc người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn, có nhiều thời gian online nhiều hơn, họ có thời gian tìm đến những sản phẩm mình thực sự có nhu cầu.
Trao đổi với PV, Chuyên gia Digital Marketing Linh Nguyễn cho biết: “Đại dịch đã làm thay đổi toàn cảnh thị trường, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, và xóa bỏ quy trình làm việc cũ, tức là quy trình từ khiến người dùng cân nhắc sử dụng sản phẩm đến chuyển đổi người dùng thành công. Bán hàng online, bán hàng mua về, sử dụng các kênh thương mại điện tử đã không còn là xu hướng mà thực sự trở thành kênh cung - cầu chính của các doanh nghiệp hiện tại. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận được đến những khách hàng thực sự có nhu cầu với một mức chi phí rẻ hơn và tỷ lệ chốt đơn hàng cũng cao hơn, củng cố hình ảnh thương hiệu hiệu quả hơn với những đối tượng này.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu cũng lựa chọn xoay chuyển chiến lược thông điệp, chú trọng tiếp thị hình ảnh thương hiệu gắn liền với trách nhiệm xã hội. Theo nhiều nghiên cứu, có tới 91,4% khách hàng đưa ra quyết định lựa chọn mua sản phẩm từ các thương hiệu gắn liền với trách nhiệm xã hội (CSR) và 84,3% khách hàng nói rằng họ vẫn sẽ lựa chọn tin tưởng các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội kể cả trong khủng hoảng. Bởi vậy, dịch bệnh Covid cũng là chính là cơ hội để nhiều doanh nghiệp củng cố, định vị lại thương hiệu của mình, thay đổi nội dung thông điệp bằng cách chú trọng vào sứ mệnh thương hiệu, gắn những sản phẩm của mình với những hoạt động cộng đồng để cùng vượt qua đại dịch đã mang lại hiệu quả rất tốt”.
Cũng theo chuyên gia, thời gian qua, công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) là một trong những doanh nghiệp điển hình có sự chuyển đổi rõ nét, gắn truyền thông thương hiệu và sản phẩm với các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch. Đơn vị này đã sản xuất và tài trợ nhiều xe tiêm vắc-xin lưu động, xe vận chuyển vắc-xin với thông điệp “Thaco chung tay phòng, chống dịch COVID 19. Hay như Vingroup, dù đã là một thương hiệu vô cùng lớn mạnh trong tâm trí người tiêu dùng thì những nỗ lực của tập đoàn trong việc hỗ trợ các vật tư y tế, cung cấp vắc-xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cũng là những hoạt động gắn liền với thương hiệu, góp phần “ghi điểm” và củng cố, định hình thương hiệu rõ nét hơn trong tâm trí khách hàng.
Với tình hình dịch bệnh kéo dài, việc tăng cường tiếp thị nhận diện thương hiệu, truyền tải thông điệp về sứ mệnh thương hiệu và hình ảnh công ty gắn với các hoạt động cộng đồng vẫn đang là xu hướng tiếp tục được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian tới.
Củng cố thương hiệu gắn liền với tái định hình lại doanh nghiệp
Có một thực tế cho thấy trong tình hình căng thẳng bởi dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến bài toán tổng quan là định hình, xây dựng lại hoạt động của doanh nghiệp nhưng ở đó, định hình lại thương hiệu là một phần không thể thiếu trong bài toán tổng quan này.
Với 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam được biết đến như một thị trường nhiều cơ hội và tiềm năng cho các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước. Thị phần nội địa đã trở thành cơ hội lớn để các doanh nghiệp buộc phải thay đổi mô hình, thậm chí là sản phẩm, định hướng kinh doanh để phù hợp với tình hình mới.
“Thương mại điện tử đã nhanh chóng “lên ngôi” trong thời kỳ đại dịch, kéo theo việc làm truyền thông thương hiệu cũng bước sang một đường đua mới trong lĩnh vực này. Đã không còn dừng lại ở thói quen mua sắm, tiêu dùng dành cho Gen Z, tác động của COVID-19 đã khiến những người lớn tuổi buộc phải thích nghi và làm quen với việc mua sắm trực tuyến thay vì luôn trung thành với việc mua bán truyền thống như trước đây.
Với sự xuất hiện của hàng loạt các trang web và ứng dụng sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới như Shopee, Lazada, Zalora hay JD…, các thương hiệu có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng, với nhiều lứa tuổi và thậm chí là dễ dàng vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Gắn với dự dịch chuyển này, việc củng cố, tái định hình lại thương hiệu trên một sân chơi mới đã trở thành một nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết buộc các doanh nghiệp phải có những chiến lược thực thi bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số.
Cuộc đua sẽ trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết, yêu cầu với thương hiệu và sản phẩm cũng sẽ ngày càng cao hơn khi người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang tiêu dùng bền vững. Thương hiệu sạch, thương hiệu thân thiện, thương hiệu mang lại giá trị cho cộng đồng và để cạnh tranh, tồn tại, bên cạnh việc duy trì quảng cáo, nó luôn phải được biến hóa, làm mới mình để tạo sự chú ý”, chuyên gia Linh Nguyễn phân tích.
Định hình lại doanh nghiệp và củng cố lại thương hiệu là những công việc không thể tách rời, và trong thời kỳ đại dịch, đây có thể là cơ hội lớn nếu bạn biết nắm bắt, tận dụng. Tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng doanh nghiệp trên những giá trị thực chất, nhân văn và bền vững là những yếu tố cốt lõi giúp thương hiệu luôn tồn tại dù bạn là ai và trong hoàn cảnh nào.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Khánh Ngân – Hiếu Nguyễn