Ngày 25/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, Hội nghị đại biểu QH chuyên trách cho ý kiến xây dựng 2 bộ luật quan trọng liên quan đến hoạt động tố tụng là Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Hình sự.
Đây là 2 dự án luật quan trọng trong chương trình nghị sự kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII, sau khi tiếp thu, chỉnh lý qua các kỳ họp hội trường, cho ý kiến thẩm định nhiều lần trước.
Có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân?
Đây là một nội dung quan trọng được thảo luận kỹ của Bộ luật Hình sự.
Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân vẫn tồn tại 2 loại ý kiến. Một phía không tán thành quy định bổ sung quy định này. Phía khác tán thành với dự thảo quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân với giới hạn chỉ nên quy định trong phạm vi hẹp như rửa tiền, tài trợ khủng bố và gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, cần loại trừ TNHS cho pháp nhân là cơ quan công quyền.
Các đại biểu QH chuyên trách cho ý kiến xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Hình sự. |
Theo đánh giá chung, vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm cơ bản là do thực hiện pháp luật, theo quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Bên cạnh đó, các chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân (tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh...) cũng đã được áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính.
Hơn nữa, nếu đặt ra vấn đề xử lý TNHS đối với một số loại hình pháp nhân và chỉ trong một số loại tội, thì sẽ không bảo đảm công bằng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự.
Bảo vệ cho quan điểm nên quy định, các đại biểu cho rằng, trong khi vi phạm pháp luật của các pháp nhân ngày càng gia tăng, nếu chỉ có biện pháp xử phạt hành chính sẽ không tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.
Thực tiễn thi hành trong thời gian qua cũng cho thấy, biện pháp này có những hạn chế, bất cập (không phải do tổ chức thực hiện), ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của việc phát hiện, điều tra xử lý vi phạm của pháp nhân.
Xu hướng chung của pháp luật trên thế giới, việc áp dụng các chế tài cần giao cho tòa án, nhất là các biện pháp có tính chất quyết định sự tồn tại của pháp nhân (tạm đình chỉ, thu hồi đăng ký kinh doanh, đình chỉ hoạt động...).
Hơn nữa, quá trình điều tra vụ án do các cơ quan điều tra chuyên trách thực hiện sẽ bảo đảm hiệu quả trong việc chứng minh hành vi vi phạm và hậu quả thiệt hại, không đẩy trách nhiệm cho người dân.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, quy định TNHS của pháp nhân còn nhằm bảo đảm công bằng giữa pháp nhân (chủ yếu doanh nghiệp) Việt Nam với pháp nhân nước ngoài và đây cũng nhằm thực hiện các nội dung cam kết quốc tế của Việt Nam trong các điều ước quốc tế đã tham gia.
Ngoài ra, các đại biểu chuyên trách cũng tập trung thảo luận một số nội dung khác như phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, hình phạt trục xuất, về hạn chế hình phạt tử hình...
Băn khoăn vị trí vai trò cơ quan kiểm sát trong tố tụng dân sự
Có 7 vấn đề lớn của Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi được nhiều đại biểu góp ý, trong đó, với sự tham gia của đại diện kiểm sát và tòa án, chế định về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) trong tố tụng dân sự, sự tham gia của đại diện VKSND đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự được tranh luận sôi nổi.
Có nhiều ý kiến bảo vệ quan điểm, giữa vụ việc hình sự và dân sự thì chức năng của VKSND có khác nhau. Trong vụ án hình sự, VKSND giữ vai trò công tố, còn trong lĩnh vực dân sự VKSND chỉ thực hành kiểm sát hoạt động xét xử từ khi thụ lý đến khi giải quyết xong. Đặc biệt, nếu toà xử mà hai bên đồng lòng thì sự tham gia của VKS là không cần thiết và ủng hộ tinh thần chung trong dự thảo là VKS không phát biểu quan điểm về nội dung.
Trong khi đó, quan điểm của đại diện ngành kiểm sát cho rằng, vẫn cần sự tham gia của VKS ở các vụ án dân sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng từ trước tới nay hệ thống VKSND được tổ chức theo đặc điểm Việt Nam. Hiến pháp khẳng định VKSND vẫn có 2 chức năng là công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật, lợi ích hợp pháp.
Ngoài ra, đại biểu chuyên trách cũng thảo luận các chế định về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, xây dựng một chương riêng về những quy định đặc thù của tố tụng lao động trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
[mecloud]mtYgNcFFZs[/mecloud]