+Aa-
    Zalo

    Xẩm "Tiễu trừ cướp biển" gây ngạc nhiên cho người xem

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sáng 25/7, tại đình Kim Liên, buổi ra mắt MV có sự tham gia của đông đảo những người yêu xẩm từ trẻ tới già.

    (ĐSPL) - Sáng 25/7, tại đình Kim Liên, buổi ra mắt MV có sự tham gia của đông đảo những người yêu xẩm từ trẻ tới già.

    Trước sự xâm phạm chủ quyền biển đảo, đặc biệt việc xâm phạm của Trung Quốc vào thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam thời gian qua đã tạo nên một mối quan tâm sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam. Các cấp chính quyền, các tầng lớp xã hội, toàn thể nhân dân đều có những tiếng nói đồng tâm đồng lòng muốn bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Cũng từ lý do này mà giới văn nghệ sĩ đã hưởng ứng bằng nhiều tác phẩm âm nhạc đã kịp thời ra mắt động viên tinh thần của các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển và toàn thể nhân dân.

    Không đứng ngoài cuộc, nhóm Xẩm Hà Thành cũng muốn đóng góp tiếng nói của nghệ thuật xẩm chung vào tiếng nói với toàn xã hội. Bài xẩm thể hiện tiếng nói mạnh mẽ là với truyền thống đánh đuổi giặc ngoại xâm từ ngàn đời, dù bất kỳ thời nào, hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn luôn kiên cường trong công cuộc bảo vệ và giữ vững chủ quyền dân tộc.

    Một trong những sứ mệnh của hát xẩm là phản ánh những vấn đề được xã hội đương thời quan tâm. Chính vì vậy thời điểm này thể hiện tình yêu biển đảo trên một làn điệu xẩm là rất phù hợp: Xẩm Sai.

    Sai có nguồn gốc từ trong âm nhạc của các thầy cúng. Sai có nghĩa là sai khiến, điều khiển âm binh giúp trừ tà ma hắc ám để mang lại sự bình yên cho đời sống. Hát Sai được khai thác trở thành một làn điệu trong hát xẩm từ trên dưới 1 thế kỷ, nhưng lại rất ít được sử dụng, song mỗi lần sử dụng lại ở những thời điểm quan trọng của đất nước hoặc thời điểm xã hội bức bối hay nói về một vấn đề nào đó được nhiều người quan tâm.

    Đây có thể coi là phiên bản thứ 3 của điệu sai dựa trên sáng tạo lần đầu của nghệ nhân Vũ Đức Sắc trong bài Tiễu trừ giặc dốt. Nhưng mỗi lần xẩm sai thức giấc là một sự sáng tạo mới về âm nhạc để phù hợp với nội dung đề tài hoặc ý tưởng âm nhạc mà người nhạc sĩ, nghệ nhân muốn thể hiện.

    Về tinh thần: Truyền tải thông điệp thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân, thể hiện sự quyết tâm đồng sức đồng lòng của nhân dân trọng việc liên tiếng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển – đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Góp tiếng nói khẳng định hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, điều này là hiển nhiên có chứng cứ lịch sử và được thế giới công nhận.

    Âm nhạc được khai thác chủ yếu là tiết tấu và giọng hát cá tính. 3 cá tính riêng biệt đảm nhận phần hát xướng, như đang trò chuyện với nhau về vấn đề chủ quyền biển đảo, như lên tiếng phản ứng về việc bị nước ngoài xâm phạm trắng trợn chủ quyền. Hát như nói, có lúc hát như quát, mắng, có lúc hát như à ê… Tạo sự đĩnh đạc đàng hoàng, sự hóm hỉnh dí dỏm, sự mỉa mai… cộng thêm một dàn hợp xướng nhân dân phụ họa. Tất cả tạo nên một không gian âm nhạc giống như kiểu buôn chuyện ở làng quê hết sức dân dã nhưng không kém phần lôi cuốn và hấp dẫn, “khoái” nhất với người nghe sẽ là cách nói trực diện của xẩm vào những vấn đề nhức nhối mà toàn dân quan tâm.

    Đạo diễn âm thanh Phạm Trường Linh, từng là nghệ sĩ bộ gõ nhạc nhẹ, Phó Ban biên tập NXB Âm nhạc, người phụ trách thu âm nhiều bài xẩm cho rằng: “Đây là một sản phẩm bom tấn. Nó là một lời khẳng định xẩm vẫn còn rất hấp dẫn, hoàn toàn có thể chinh phục được người nghe, nhất là giới trẻ”.

     

    Việc ra mắt MV xẩm “Tiễu trừ giặc biển” được nhóm xẩm Hà Thành xem là một dấu ấn để bắt đầu một chặng đường đi mới trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật xẩm, một loại hình nghệ thuật truyền thống quá giá của dân tộc. Trên tinh thần tự nguyện, hết lòng vì đam mê, các thành viên của nhóm xẩm Hà Thành thường dốc tiền túi cá nhân để thực hiện các hoạt động về Xẩm. Với chặng đường mới này, nhóm xẩm quyết tâm dù sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát triển, sao cho phù hợp thời đại hiện nay, nhóm xẩm cũng sẽ hết mình để có thể đưa xẩm đến với người trẻ tuổi, đến với công chúng và có thể “sống” được trong lòng công chúng.

    Khi xẩm “sống” được trong đời sống, tức là xẩm đã được bảo tồn và phát triển. Chặng đường đi sẽ nhiều gian khó, nhóm Xẩm Hà Thành mong mỏi sẽ được báo chí, công chúng quan tâm ưu ái để sau này Xẩm sẽ có những nghệ nhân được yêu mến, sẽ có người tiếp nối trọn vẹn những tinh hoa của “báu vật” Hà Thị Cầu. Sở dĩ, Xẩm Hà Thành tin rằng có thể “sống” được trong đời sống hiện đại, bởi việc truyền tải thông tin mang tính thời sự là một trong những thế mạnh vốn có của xẩm. Vì thế, xẩm cũng tựa một kênh truyền thông, một trang báo về âm nhạc.

    Xẩm đa dạng về tiết tấu cũng như màu sắc, đặc biệt là ngôn ngữ thể hiện đậm chất dân gian hóm hỉnh hài hước nên việc truyền tải những thông tin tưởng chừng khô cứng hóa ra lại mềm và tạo hiệu quả cao. Bằng chứng là những năm qua, Xẩm Hà Thành đã góp phần cùng UB ATGT Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN dàn dựng một số tiết mục tuyên tuyền về việc tham gia giao thông nằm trong dự án Văn hóa giao thông do GS Hoàng Chương làm chủ nhiệm đề tài. Cùng với dự án, Xẩm đã tới các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội để thể hiện và tạo được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ.

    Trong thời gian tới, xẩm sẽ có những bài sáng tác mới dựa trên những vấn đề xã hội quan tâm nhưng theo góc nhìn của nghệ thuật hát xẩm. Hy vọng, nó cũng sẽ là một kênh thông tin hữu ích cho xã hội, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận khán giả.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xam-tieu-tru-cuop-bien-gay-ngac-nhien-cho-nguoi-xem-a43036.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan