(ĐSPL) – Chúng tôi đang nói đến ngôi làng Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội mỗi năm thu từ vài trăm đến hàng tỷ đồng từ nghề nuôi rắn nguy hiểm này.
Để tìm hiểu rõ hơn về nghề nuôi rắn, chúng tôi đã tìm về ngôi làng này. Một ngôi làng nằm ở ngoại thành Hà Nội cách trung tâm khoảng tầm 30km, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi và làm nông nghiệp.
Mỗi buổi đi làm đồng người ta hay bắt được rắn và bán cho thương buôn, nhà hàng, “vì ngày xưa rắn nhiều lắm chứ không như bây giờ”. Thấy lợi nhuận kinh tế gấp rất nhiều với việc làm nông, nhiều hộ dân bắt đầu nghĩ ra cách nuôi.
Ban đầu chỉ có một vài hộ dân nuôi với quy mô nhỏ, càng nuôi thì thấy thu nhập ổn định và nhân rộng ra. Thấy một số hộ làm ăn được, các hộ dân khác cũng đến tìm hiểu cách nuôi để về nuôi thử, vì thế mà dần dà, làng Phụng Thượng trở nên nổi tiếng với nghề nuôi rắn.
Bất chấp nguy hiểm vì “lời cao”
Rắn hổ mang là một loài có nọc rất độc và nguy hiểm, khi bị cắn nếu không cấp cứu nhanh sẽ mất mạng chỉ trong gang tấc. Tuy nhiên, dù cực độc nhưng nọc rắn lại rất tốt trong y khoa, các sản phẩm như rượu rắn, cao rắn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe nên giá cũng luôn ở mức cao ngất ngưởng và khiến lợi nhuận từ nghề nuôi rắn cũng không hề nhỏ.
Phần lớn người dân nơi đây là nuôi rắn thịt để bán cho thương buôn, nhà hàng, một lọ viên nang có tác dụng chữa đau khớp, đau lưng, xương cốt,…với giá 150.000 đồng/lọ/30 viên. Hay cao rắn được bán với giá 500.000 đồng/lạng. Nếu tính bình quân một hộ gia đình nuôi rắn chuyên nghiệp tại đây có mức lợi nhuận một năm khoảng vài vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Theo anh N.V.H (thôn Nam, Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi làm nghề này cũng được hơn chục năm rồi, ở đây phần lớn người dân là nuôi rắn thịt để bán cho thương buôn, nhà hàng. Hiện tại gia đình cũng đang nuôi mấy trăm con. Nghề nuôi rắn rất nguy hiểm, chăm sóc cũng khó. Nuôi gà, vịt, cá... thì thoải mái, chẳng sao cả nhưng nuôi rắn thì phải luôn luôn trong tình trạng cảnh giác. Nhỡ một cái thì mất mạng ngay, mùa đông nên nó hiền đấy, chứ vào mùa hè oi bức hoặc thời kỳ lột xác thì nó hung hăng lắm, xểnh một cái là "đi ngay".
Chuồng nuôi rắn. |
"Nguy hiểm là thế nhưng mấy năm về trước thì làm ăn cũng còn được vì hồi đó ít người nuôi nên hiếm nguồn hàng, nhưng bây giờ bà con nuôi nhiều quá nên giá thành cũng rẻ đi nhiều. So với làm nông nghiệp thì vẫn hơn rất nhiều nhưng so với những nguy hiểm mà mình làm hàng ngày thì cũng chẳng ăn thua." - anh H. cho biết.
Hiện tại giá rắn thịt là từ 500 đến 600 nghìn/1 kg bán tại nhà cho thương buôn, còn giá hổ mang chúa thì nó lên tới vài triệu/1 kg bán cho các gia đình giàu có để ngâm rượu hoặc nấu cao... Mặc dù biết là một nghề cực kỳ nguy hiểm nhưng vì lợi nhuận cao nên hộ gia đình nào cũng làm hết.
Mỗi lần cho rắn ăn là mỗi lần phải đối mặt với “tử thần” vì không cẩn thận là bị cắn ngay, loài rắn khác với những loài khác vì chỉ cần kích động là sẵn sàng lao vào cắn. Nếu bị cắn mà không biết cách sơ cứu hay chậm chút là mất mạng. Chuyện cắn là chuyện thường đối với những người mới tập nuôi chưa biết lắm được các kĩ thuật nuôi.
Biết cấm nhưng vẫn làm
Vào các khu “động rắn” như thế này không hề dễ chút nào vì pháp luật cấm buôn bán, sở hữu loài rắn này, nên người Phụng Thượng phải nuôi và buôn bán một cách bí mật.
Trong vai là một người đi học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn để về phát triển kinh tế cho gia đình, tuy nhiên, vì thấy chúng tôi là người lạ nên người dân nơi đấy cũng rất thận trọng từ những lời nói cũng như hành động của mình. Sau một hồi nói chuyện, người dân mới thấy tin tưởng và chịu chỉ đường.
Cuối cùng chúng tôi cũng đã gặp được một số ông chủ nuôi rắn được coi là có tiếng tăm trong làng, vì thấy chúng tôi có thành ý học hỏi kinh nghiệm nên ông chủ rắn không ngại ngần gì chia sẻ, thao thao kể về thành tích nuôi rắn của làng. Cũng đúng thôi, vì nó đem lại sự giàu có cho những người nông dân chân chất của ngôi làng này.
Khi được người dân chỉ đường cho đến nhà anh T. (thôn Đông, Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) là một trong những hộ dân nuôi khá có tiếng ở thôn, gặp người lạ, anh tỏ ra không mặn mà lắm, cứ cắm cúi làm việc. Trò chuyện một hồi, tin tôi có thành ý muốn học hỏi nên anh mới cởi mở hơn.
Tôi xin anh chia sẻ những kinh nghiệm nuôi rắn của mình và cho đi thăm quan chuồng nuôi của anh, anh dẫn tôi vòng ra phía cạnh nhà. Ở đây là những chuồng nuôi mà được anh T. làm rất chuyên nghiệp, chuồng nuôi được xây cao và phân từng ô một tương ứng với mỗi con ở một ô, mỗi ô chỉ rộng khoảng 1 mét vuông và được thiết kế cửa bằng lưới sắt hoặc bằng gỗ.
Phía góc vườn có mấy chuồng nhỏ chứa rắn nước, chuột, ếch nhái, cóc… Anh giải thích rắn nước là thức ăn của rắn chúa, còn cóc nhái, chuột dành cho hổ mang phì. Anh khoe số rắn này sắp được xuất đi Trung Quốc và sẽ mang lại cho anh hàng trăm triệu đồng.
Khu nuôi rắn của anh gồm 2 dãy, lợp mái hẳn hoi. Theo lời anh, tất cả rắn trong chuồng đều là hổ phì. Hiện tại gia đình đang nuôi khoảng 600 - 700 con. Thời điểm này thời tiết lạnh nên rắn không chịu ăn, với lại nó hiền. Chứ thường vào mùa hè thì cứ 3 ngày lại phải cho rắn ăn một lần, thời gian này là lúc để vỗ béo cho rắn để đến tầm tháng 7 đến tháng 9 dương lịch thì xuất bán rắn rầm rộ.
Tôi tỏ ý ngại ngần chuyện đầu ra khi đã nuôi rắn đến thời kỳ có thể bán được, anh T. không ngại ngần chia sẻ, thường người dân ở đây chủ yếu là bán cho thương buôn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì người dân nuôi nhiều rồi nên nhà hàng, khách sạn cũng không đủ đáp ứng được hết lượng cung nên đành phải xuất khẩu sang các nước khác.
Tôi hỏi làm cái này anh có sợ không vì pháp luật cấm, anh T. thở dài và nói, tất nhiên là sợ chứ vì đó là cả đống tài sản của cả gia đình đổ hết vào đấy, nhưng biết làm sao được giờ kiếm tiền cái gì cũng khó thôi thì người ta làm thì mình cũng cứ làm thôi.
Tôi nhã ý định mua một con về ngâm rượu nhưng sợ vận chuyển anh T. cho biết các lái buôn đánh cả xe tải sang Trung Quốc được, chứ loanh quanh ở đây thì ngại gì. Ở đây nếu lấy nhiều thì bọn anh làm "luật", còn lấy một vài con thì sẽ có "quân" vận chuyển bằng xe máy đến tận nhà.
Người dân ở đây xây những ngôi nhà cao tầng, những con đường trải nhựa kia, những ngõ xóm bê tông kia đều từ con rắn mà ra cả đó. Tuy nhiên, dù lợi ích mà nghề nuôi rắn mang lại cho người dân là khá lớn nhưng đổi lại sự đe dọa mối nguy hiểm luôn rình rập người dân nơi đây từng ngày, từng giờ.