+Aa-
    Zalo

    Xâm hại tình dục trẻ em, có nên sửa luật mở rộng phạm vi xử lý hình sự

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ vụ nữ sinh bị bạn cùng lớp xâm hại đến mang thai tại Thanh Hóa, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với những đối tượng dưới 14 tuổi.

    Từ vụ nữ sinh bị bạn cùng lớp xâm hại đến mang thai tại Thanh Hóa vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với những đối tượng từ dưới 14 tuổi hoặc có chế tài xử phạt nghiêm khắc. Xung quanh vấn đề này, PV Tạp chí ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng (CECODES).

    Đừng coi quấy rối tình dục là “chuyện trẻ con”

    PV: Liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí nạn nhân bị chính bạn học cùng lớp xâm hại gây hoang mang trong dư luận. Ông nhận định như thế nào về thực trạng này?

    PGS.TS.Đặng Ngọc Dinh: Vụ việc nữ sinh ở Thanh Hóa bị bạn cùng lớp xâm hại đến mang thai là một vụ việc nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng, đời sống, tương lai của cháu gái. Vụ việc này sẽ là một bài học đau xót cho công tác quản lý, giáo dục cũng như trách nhiệm của nhà trường, của gia đình và xã hội đối với việc bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ, bảo vệ trẻ em. Chúng ta đừng coi chuyện quấy rối tình dục là “chuyện trẻ con”.

    Sự thiếu hụt trong nhận thức của các em bao gồm sự thiếu hiểu biết về giới tính, tình dục và những nguy cơ bị xâm hại tình dục đáng báo động. Hơn nữa, tính tò mò, dễ bảo, dễ tin cũng là đặc điểm dễ bị lợi dụng ở trẻ em. Sự tham gia của trẻ vào các mối quan hệ xã hội ở phạm vi rộng hơn, phức tạp hơn trong khi bản thân trẻ lại chưa có đủ các kiến thức và kỹ năng an toàn cần thiết để bảo vệ mình nên trẻ gặp nhiều nguy cơ bị xâm hại.

    Trong khi đó, người thân trong gia đình trẻ thiếu hụt kiến thức về sự phát triển thể chất, tâm sinh lý ở từng lứa tuổi của trẻ em, không biết cách trò chuyện, hướng dẫn trẻ về cơ thể, các nguy cơ và kỹ năng tự bảo vệ mình. Cha mẹ không có sự giám sát, nghi ngờ, không có ý thức về bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục.

    Bên cạnh đó, sự phát triển của Internet và các kênh thông tin mạnh mẽ trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân góp phần làm phát tán văn hóa bạo lực và tình dục. Chính điều này tạo nên sự tò mò, kích động và dễ có hành vi lệch chuẩn.

    PV: Có ý kiến cho rằng nên mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với những em từ dưới 14 tuổi hoặc đưa vào trung tâm giáo dục để uốn nắn, tránh tình trạng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không phải chịu trách nhiệm. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

    PGS.TS.Đặng Ngọc Dinh: Năm 2017, nghị trường Quốc hội từng tranh luận nảy lửa xung quanh vấn đề mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với các em cả ở tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng khi thuộc 3 tội danh là Cố ý gây thương tích, Hiếp dâm và Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Hiện nay, Bộ luật Hình sự cũng quy định rất rõ trách nhiệm pháp lý của người từ 14-16 tuổi.

    Theo tôi, không nên bổ sung, sửa đổi luật chỉ vì một vài hiện tượng, làm như vậy sẽ méo mó xã hội. Xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá “cứng rắn”, điều này không có nghĩa là chúng ta cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của trẻ em mà quan trọng là khi bắt tay xử lý những trường hợp này cần đánh giá đúng mức để các em có thể quay trở lại cuộc đời còn rất dài ở phía trước.

    Nhìn dưới góc độ tâm lý, xã hội học, chắc hẳn có nhiều ý kiến đồng tình nên đưa những trẻ từng sai lầm vào trại giáo dưỡng, trung tâm giáo dục để uốn nắn nhưng tôi đánh giá kiến nghị đó không phải là cách làm hay. Chúng ta phải thay đổi nhận thức trong giới trẻ và uốn nắn trẻ bằng con đường giáo dục.

    PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh.

    Dạy trẻ bài học... tự chịu trách nhiệm

    PV: Công an TP.HCM từng đưa ra con số thống kê 70% nạn nhân bị xâm hại dưới 13 tuổi tự nguyện quan hệ tình dục do có tình cảm với đối phương chứ không phải bị đe doạ bằng vũ lực. Nói như vậy, nhận thức về giới tính của trẻ “có vấn đề”, thưa ông?

    PGS.TS.Đặng Ngọc Dinh: Lứa tuổi từ 13 đến dưới 16 thực chất chỉ là độ tuổi của những cháu học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Ở độ tuổi này, trẻ diễn ra nhiều nhất thay đổi về tâm sinh lý, tò mò, hiếu động, dễ bắt chước những điều mới lạ trong khi hiểu biết về pháp luật hạn chế.

    Theo tôi, điều quan trọng, gia đình, nhà trường phải giáo dục giới tính cho trẻ, dạy trẻ biết cảnh giác và tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình.

    PV: Nói như vậy, vai trò của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục giới tính là giải pháp căn cơ hạn chế những vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, thưa ông?

    PGS.TS.Đặng Ngọc Dinh: Cha mẹ hãy chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, hướng dẫn những kiến thức cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục cùng những kỹ năng sinh tồn khác. Kết bạn với con để con có thể nói với cha mẹ về bất cứ điều gì xảy ra với mình mà không sợ bị chê cười.

    Tôi đồng tình với quan điểm của 1 chuyên gia tội phạm học, cha mẹ cần dạy con biết tôn trọng bản thân, chỉ rõ cho con thấy chỗ “nhạy cảm” là chỗ nào, cho con biết những bộ phận nhạy cảm không để người khác chạm vào; không được đi theo những người đàn ông lạ khi họ yêu cầu hay nhờ vả một việc gì đó. Không được cho họ vào nhà, phòng ở khi chỉ có một mình, cũng như không được vào nhà, phòng ở của nam giới (có độ tuổi bằng hoặc lớn hơn mình) khi trong nhà chỉ có người đó... Hãy dạy trẻ biết nói “không” với người nào muốn sờ vào cơ thể con. Hãy hét lên và chống cự cho đến khi họ dừng lại.

    PV: Xin cảm ơn ông!

    Cần nhận diện các nguy cơ có tác hại cho trẻ

    Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ trẻ em, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) nhận định: “Một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những vụ việc đau lòng đã xảy ra chính là việc nhận diện các nguy cơ có tác hại cho trẻ ở Việt Nam chưa được thực hiện tốt.

    Chúng ta không còn đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên làm việc, hợp tác với trẻ em ở cộng đồng nên các nguy cơ nguy hiểm đến trẻ em chưa được nhận diện kịp thời. Nếu các xã có cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, họ sẽ nhận diện tốt các nguy cơ từ cộng đồng đối với trẻ em. Sau đó các cán bộ này mới có những tư vấn ngăn chặn trước các nguy cơ.

    Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục của nhà trường cho thấy giáo dục các kỹ năng cho học sinh là chưa đủ và chưa đi vào thực chất. Học sinh có quá ít thời gian để học về đạo đức, các kỹ năng sống, giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích, giáo dục về phòng chống xâm hại tình dục...


    Hình phạt đã đủ sức răn đe

    Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, người dưới 16 tuổi được xác định là trẻ em. Hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi bị pháp luật ngăn cấm và người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, nếu người đã thành niên mà quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, dù có quan hệ tình dục tự nguyện, người thanh niên cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, nếu người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quan hệ tình dục tự nguyện với nhau thì dưới góc độ pháp lý đây chỉ là “chuyện trẻ con”, mới không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Trường hợp người đã đủ 14 tuổi mà dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn với người dưới 16 tuổi thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu cấu thành tội Cưỡng dâm người dưới 16 tuổi hoặc tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142, Bộ luật Hình sự 2015.

    Để xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng có liên quan, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tính chất nghiêm trọng của sự việc. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm đối với người dưới 16 tuổi thì đối tượng vi phạm từ 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 và Điều 142 Bộ luật Hình sự.

    Theo tôi, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khắc phục hạn chế của những quy định trước, kịp thời ban hành những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp và có hình phạt nghiêm khắc đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.


    Đau lòng chuyện trẻ con mang thai

    Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin 1 nữ sinh 14 tuổi đang học lớp 9 tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa nghi bị bạn trai cùng lớp nhiều lần xâm hại dẫn tới mang thai.

    Nữ sinh đó là cháu Đ.M.A. (SN 2006). Khi gia đình thấy cháu M.A. có dấu hiệu bất thường như bụng to, chậm kinh nguyệt đã đưa đi siêu âm mới biết M.A. đã có thai 14 tuần tuổi. Sau nhiều lần gặng hỏi, M.A. kể lại cho gia đình biết trước đó mình bị bạn cùng lớp tên là N. nhiều lần xâm hại tình dục tại nhiều địa điểm khác nhau.

    Lần đầu tiên khoảng tháng 5/2020 khi em này được các bạn rủ tới nhà bạn chơi. N cũng có mặt ở đó cùng với một số bạn học cùng lớp. Tại đây, M.A. đã bị N kéo vào phòng ngủ, chốt cửa lại và ép quan hệ tình dục. Theo M.A., trong những lần bị N. xâm hại, em không phản kháng, không dám kêu la và không dám kể với gia đình thầy cô vì sợ xấu hổ.

    Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Công an TX.Nghi Sơn đã mời nạn nhân, người giám hộ của em, N. và đại diện gia đình N., những học sinh liên quan lên làm việc để phục vụ công tác điều tra.

    Còn tại huyện Bến Lức, Long An, trước đó, gia đình bé gái L.T.A.T. (12 tuổi) phát hiện cháu T. có thai 8 tháng. Sau đó, gia đình đã làm đơn tố giác N.T.K. (15 tuổi) gửi Công an huyện Bến Lức. N.T.K. được cho là bạn trai của T.. Cả hai đã lén lút quan hệ tình dục dẫn đến bé gái mang thai và khi thai đã 8 tháng gia đình mới biết.

    Hương Lan

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (42)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xam-hai-tinh-duc-tre-em-co-nen-sua-luat-mo-rong-pham-vi-xu-ly-hinh-su-a342844.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan