Ngay dưới các bảng biển cấm san lấp, phân lô, tách thửa trái phép thì việc tự ý “xẻ” đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm và đất nông nghiệp vẫn ngang nhiên diễn ra rầm rộ tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Điều đáng nói là tình trạng này lại diễn ra gần trụ sở UBND xã.
“Hô biến” nhiều loại đất… thành đất ở
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra đất đai nhằm chấn chỉnh các trường hợp sai phạm trên địa bàn. Cụ thể, ngày 7/5/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 1525/QĐ-UBND về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và xây dựng trên địa bàn phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) và một số xã trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom… Riêng tại huyện Vĩnh Cửu, UBND tỉnh đã thanh tra 4 xã gồm: Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân Bình và Bình Hòa.
Cụ thể, thanh tra việc chấp hành công tác quản lý sử dụng đất (tự ý tách thửa trái phép, chuyển nhượng đất, sử dụng đất không đúng mục đích); Thanh tra việc chấp hành công tác xây dựng không phép và xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt (xây dựng không phép và sai phép, làm đường, đấu điện).
Tuy nhiên, vừa qua phóng viên báo ĐS&PL đã thực tế tại nhiều điểm “nóng” trên địa bàn này thì ghi nhận tình trạng phân lô bán nền trái phép vẫn tiếp tục diễn ra. Điển hình, tại xã Thạnh Phú (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) là nơi các “đầu nậu” đang phân lô, bán nền rầm rộ, biển quảng cáo bán đất được chào mời khắp nơi, từ quán café đến cột điện trên các trục đường…
Quảng cáo bán đất được chào mời khắp nơi, từ quán café đến cột điện trên các trục đường… |
Việc mua bán đất ở đây khá dễ dàng, hàng chục hecta đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, thậm chí cả đất quy hoạch dự trữ xây dựng đang tiến hành san lấp, phân lô.
Điểm chung của các đầu nậu ở đây là mua đất của người dân địa phương, bất kể diện tích lớn hay nhỏ, sau đó tiến hành san lấp, kéo điện sơ sài và cắm cọc, phân mỗi lô diện tích từ 100 – 150m2, giá 250 đến 350 triệu/nền...
Trong vai người mua đất, phóng viên thị sát tại các điểm “nóng” bán nền phân lô. Trường hợp, tại khu đất trống được xây bằng hai viên gạch, tự cắm cột mốc, chỉ cách UBND xã Thạnh Phú chưa đầy vài trăm mét. Tiếp cận một cò đất tên H. chúng tôi được biết, đây là dự án tư nhân tự “khui” đất, dự án có 39 lô, nhưng hiện đã bán gần hết chỉ còn dưới 10 lô, các lô diện tích 5x18, 5x25, với giá trị lần lượt từ 300 triệu – 320 triệu đồng/lô. “Dự án này gần trường học, chợ và gần UBND xã nên đảm bảo lợi nhuận sẽ rất cao. Anh chị có nhu cầu mua, sau khi đặt cọc 10 ngày, thanh toán đủ tiền bên em sẽ làm giấy hợp đồng công chứng tại văn phòng luật sư…” - H. giới thiệu về thủ tục giao dịch của “dự án” khu đất.
Cò đất lộng hành khắp nơi, chào mời khách mua đất nền thuộc đất trồng cây lâu năm trên địa bàn xã Thạnh Phú |
Còn tại dự án thuộc tờ bản đồ số 22 (ấp 5), thì cò đất tên S. liên tục giới thiệu việc mua bán đất sẽ rất dễ dàng, nếu xuống tiền đặt cọc là có ngay lô ưng ý. Thấy chúng tôi phân vân về chuyện tách thửa và xây dựng, S. chấn an: “Khu vực dự án, đang được quy hoạch lên đất ở đô thị, nên khi nào nhà nước cho tách thửa thì bên em sẽ giúp đỡ, hỗ trợ để anh chị có thể tách thửa, ra sổ. Riêng việc xây dựng, bên em “bao” xây dựng 100% cho người mua nếu có ít tiền bồi dưỡng trà nước”.
Khu đất thuộc tờ bản đồ số 22 (ấp 5, xã Thạnh Phú) cũng đang được phân lô, bán nền rầm rộ |
Ngoài ra, phóng viên còn ghi nhận có trên 10 dự án phân lô, bán nền “tự phát” trên đất nông nghiệp với diện tích hàng chục ngàn mét vuông đang được nhân viên môi giới đất (cò đất) tích cực rao bán. Điều đáng nói là, rất nhiều “dự án” phân lô, bán nền, “xẻ” đất nông nghiệp này nằm ngay kế bên UBND xã Thạnh Phú nhưng vẫn ngang nhiên rao bán.
Chính quyền xã không biết thế nào là “phân lô, bán nền”?
Để xác minh làm rõ thông tin, phóng viên ĐS&PL đã nhiều lần liên hệ làm việc về trách nhiệm quản lý đất đai tại xã Thạnh Phú, nhưng ông Nguyễn Quang Phương (chủ tịch xã) báo bận việc.
Tuy nhiên, để có thông tin cụ thể, ngày 06/12/2018 phóng viên đã đến làm việc trực tiếp tại văn phòng UBND xã Thạnh Phú, ông Nguyễn Cao Tài – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: đơn vị chưa chủ động cung cấp tài liệu liên quan đến các vấn đề quản lý đất trên địa bàn, mà chỉ tập trung làm rõ “việc phân lô bán nền là từ ngữ không có trong luật đất đai”, xã cũng chưa bao giờ biết quy định về phân lô, bán nền.
Ông Nguyễn Cao Tài – Phó chủ tịch UBND xã tại buổi làm việc với phóng viên, cho rằng: Chưa bao giờ biết quy định về phân lô, bán nền, và xem việc phân lô bán nền chỉ là “việc xây hàng rào” bảo vệ đất, là quyền lợi chính đáng của người dân. |
Về việc quản lý đất đai trên địa bàn xã quản lý, ông Tài cho rằng việc phân lô bán nền chỉ là “việc xây hàng rào” bảo vệ đất, là quyền lợi chính đáng của người dân.
Mặc dù, trước đó ông Võ Văn Phi – Chủ tịch huyện Vĩnh Cửu từng cho biết: Cuối 2017 đầu 2018, tình hình chung tại địa bàn huyện Vĩnh Cửu có cơn sốt đất rất lớn, ảnh hưởng tới các xã tại địa phương, và thực tế diễn ra tình trạng phân lô bán nền, san lấp, làm đường… với mục đích giao dịch, mua bán đất.
Thời gian qua, UBND Vĩnh Cửu cũng đã có nhiều chỉ đạo trong việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện, trong đó giao trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tang cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm lien quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng để xử lý theo quy định, đảm bảo không để xảy ra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng không phù hợp quy hoạch đã được duyệt.
“Huyện đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, rà soát những quảng cáo kinh doanh bất động sản, treo bảng biển phân lô, bán nền tại các xã. Chỉ đạo phòng nội vụ xuống kiểm tra việc chấp hành công vụ của cán bộ các xã. Đã phát hiện một số cán bộ địa chính sai phạm nên yêu cầu kiểm điểm và chuyển công tác” - ông Phi cho hay.
Đồng thời, Chủ tịch huyện Vĩnh Cửu nhấn mạnh: Vừa qua huyện Vĩnh Cửu đã thanh tra 4 xã đã sai phạm về quản lý đất đai, trong đó có xã Thạnh Phú.
Trước thực trạng phân lô đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp để xây nhà ở vẫn diễn ra rầm rộ trên địa bàn xã, nhiều ý kiến cho rằng, vậy trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Thạnh Phú như thế nào trong việc quản lý đất đai tại địa phương? Liệu có hay không việc quản lý của nhiều cán bộ địa phương còn buông lỏng, ngó lơ trước các sai phạm, làm ảnh hưởng tài nguyên đất kéo dài suốt thời gian qua.
Báo ĐS&PL sẽ tiếp tục thông tin…
Nguyễn Kiên – Quỳnh Hương