Theo The Paper, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31/5 (giờ Trung Âu) thông báo sẽ sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp để gọi tên các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nhằm tránh kỳ thị các quốc gia phát hiện các loại biến thể này lần đầu tiên.
"Không nên đổ lỗi cho quốc gia nào trong việc xét nghiệm và báo cáo các chủng biến thể virus (SARS-CoV-2)", bà Maria Van Kerkhove viết trên Twitter.
Bà Kerkhove nhấn mạnh tên mới sẽ "không thay thế" các tên khoa học hiện có nhưng nhằm giúp ích cho việc thảo luận công khai. Bà cũng kêu gọi các quốc gia "tăng cường giám sát mạnh mẽ" và chia sẻ dữ liệu khoa học để ngăn chặn sự lây lan của các chủng virus đột biến.
Hệ thống mới sẽ áp dụng cho các biến thể đang được quan tâm hiện nay, trong đó có 4 biến thể đáng lo ngại nhất và các biến thể được quan tâm cấp độ thứ 2.
Theo hệ thống cách gọi mới do bà bà Kerkhove chia sẻ, chủng biến thể B.1.1.7 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh sẽ được đổi tên thành Alpha; biến thể B.1.351 được phát hiện lần đầu ở Nam Phi sẽ được đổi thành Beta; biến thể P.1 từ Brazil chuyển thành Gamma.
Trong khi đó, biến thể B.1.617 ghi nhận tại Ấn Độ được chia thành các dòng phụ, trong đó biến thể B.1.617.2 sẽ là Delta và biến thể B.1.617.1 được gọi là Kappa.
Bà Kerkhove chia sẻ, những tên khoa học của các chủng biến thể có thể khó đọc, khó nhớ nên mọi người thường dùng đến cách gọi các biến thể gắn với những nơi chúng được phát hiện, gây ra tâm lý kỳ thị và phân biệt đối xử. Do đó, WHO khuyến khích các cơ quan chức năng quốc gia, các cơ quan truyền thông và những người khác dùng các tên gọi mới này.
Bà Kerkhove cũng nói thêm rằng, nếu số lượng biến thể của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy vượt quá con số 24, số lượng chữ cái Hy Lạp sẽ không đủ. Tới lúc đó, WHO sẽ công bố một hệ thống đặt tên khác.
Hoa Vũ (Theo The Paper)