Theo AFP, ngày 12/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn dữ liệu ban đầu cho biết biến thể Omicron dễ lây lan hơn biến thể Delta, đồng thời có khả năng làm suy giảm hiệu quả của vaccine nhưng ít gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Biến thể Delta lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào đầu năm 2021, là nguyên nhân gây ra hầu hết các ca mắc COVID-19 trên thế giới hiện nay.
Tới tháng 11/2021, Nam Phi phát hiện biến thể Omicron mới, chứa số lượng lớn đột biến, khiến nhiều quốc gia trên thế giới nhanh chóng áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia nằm ở phía Nam châu Phi, đồng thời đưa ra các biện pháp hạn chế trong nước nhằm làm chậm sự lây lan của biến thể này.
Theo WHO, biến thể Omicron đã lây lan đến 63 quốc gia kể từ ngày 9/12. Sự lây lan nhanh hơn đã được ghi nhận ở Nam Phi – nơi biến thể Delta ít phổ biến hơn và ở Anh – nơi Delta chỉ là chủng vượt trội.
WHO nhấn mạnh rằng do chưa có đủ dữ liệu nên chưa thể nói liệu tốc độ lây lan của Omicron là do biến thể này ít có các phản ứng miễn dịch hơn, khả năng lây lan cao ơn hay sự kết hợp của cả hai.
Trong một bản tóm tắt kỹ thuật, WHO cho biết dữ liệu ban đầu tiết lộ Omicron “làm giảm hiệu quả của vaccine trong việc phòng ngừa mắc bệnh và lây nhiễm”.
“Với dữ liệu sẵn có hiện tại, có khả năng biến thể Omicron sẽ vượt xa biến thể Delta ở những nơi xảy ra lây nhiễm cộng đồng”, WHO cho biết thêm.
Các ca nhiễm biến thể Omicron cho tới nay chỉ gây ra bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, WHO lưu ý dữ liệu hiện nay không đủ để xác định mức độ nghiêm trọng lâm sàng của biến thể này.
Nam Phi báo cáo phát hiện biến thể Omicron lên WHO vào ngày 24/11. Vào tuần trước, Pfizer-BioNTech cho hay 3 mũi vaccine của hãng vẫn chứng minh hiệu quả trong việc phòng ngừa biến thể Omicron.
Các quốc gia có đủ nguồn cung cấp vaccine như Anh và Pháp đã khuyến khích người dân tiêm mũi vaccine tăng cường để phòng chống biến thể Omicron.
Đinh Kim(Theo Yahoo News)