+Aa-
    Zalo

    Washington Post: Từ kẻ 'ăn mày dĩ vãng' đến gã khổng lồ cá tính

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thành công của Washington Post đã chứng minh một điều dù báo in có thất thế thì báo chí chất lượng cao sẽ không chết giữa thời đại bùng nổ internet.

    Washington Post từ một tờ báo liên tục thua lỗ trong nhiều năm đã chuyển mình một cách bất ngờ chỉ trong một năm trở lại đây. Thành công của Washington Post đã chứng minh một điều rằng dù cho báo in có thất thế thì báo chí chất lượng cao sẽ không chết giữa thời đại bùng nổ internet.

    Tôn vinh độc giả

    Sau kỷ nguyên vinh quang của tờ Washington Post từ những ngày tháng phanh phui vụ Watergate trong quá khứ, nhà báo kỳ cựu James Bennett Stewart không còn lựa chọn tờ báo này như một ấn phẩm tin tức yêu thích. Ông trả tiền cho một số tờ như The New York Times, The Wall Street Journal, The New Yorker và cảm thấy vậy là đủ cho nhu cầu cập nhật thông tin hàng ngày của mình.

    Một góc tòa soạn Washington Post, nơi đang có bước chuyển mình đáng nể trong nền báo chí Mỹ.

    Nhưng gần đây, logo Washington Post với dòng chữ "Breaking News" thường xuyên xuất hiện trên laptop của cây bút từng đoạt giải Pulitzer.

    “Tôi không rõ làm cách nào tờ báo đã có một vị trí trong không gian số của mình. Tôi sẽ cảm thấy bực bội, nếu nó không mang lại những tin tức thú vị”, Stewart bày tỏ quan điểm.

    Sau những ngày tháng sống trong sự im lặng với những bài viết không mấy tiếng vang, Washington Post đang dần lấy lại sự chú ý của công chúng.

    Với tiêu đề bài viết đầy mời gọi: "Tổng thống Trump tiết lộ thông tin mật cho các nhà ngoại giao Nga trong cuộc họp ở phòng Bầu dục", Stewart bắt đầu nhấn vào bài viết.

    Trang yêu cầu trả phí đọc bài của Washington Post hiện ra kèm dòng chữ đầy khiêu khích và kích thích: "Bạn rõ ràng là người yêu thích các tác phẩm báo chí chất lượng". Và chỉ với 99 cent cho 4 tuần đầu, Stewart có thể tiếp tục đọc bài viết đang thu hút mình.

    Cây bút bình luận chuyên cộng tác với tờ The New York Times giờ đây đã trở thành một người dùng trả phí cho tờ Washington Post. Hiển nhiên, tờ báo này đã kiếm được thu nhập từ các bài viết hay, khi mà báo giấy trên đà sa sút.

    Chính thức trở thành một công ty tư nhân từ năm 2013, khi được Jeff Bezos- người sáng lập Amazon - mua lại với giá 250 triệu USD, Washington Post không thường xuyên công khai về tình hình tài chính ảm đạm của mình.

    Nhưng bằng tất cả các cải cách thực chất cùng các kỹ xảo gây sự chú ý, sự hồi sinh của Washington Post cả về mặt nội dung và tài chính trong vòng chưa đầy bốn năm đã khiến làng báo chí nước Mỹ kinh ngạc.

    Washington Post tuyên bố họ đã có lợi nhuận vào năm ngoái, mà không cần phải cắt giảm chi phí. Ngược lại, dưới sự lãnh đạo của Martin Baron – Tổng Biên tập cũ của tờ The Boston Globe – người từng được miêu tả rõ nét trong bộ phim nổi tiếng "Spotlight”, tòa soạn trong thời gian gần đây còn tuyển dụng nhiều hơn trước.

    Ban biên tập đã tuyển dụng thêm hàng trăm phóng viên và biên tập viên, trong khi nhân sự thuộc đội ngũ kỹ thuật đã tăng gấp 3 so với trước đó.

    Hồi tháng 4/2017, theo số liệu của comScore, Washington Post có 78,7 triệu người đọc và 811 triệu lượt xem trang, chỉ kém CNN và The New York Times.

    "Doanh thu quảng cáo kỹ thuật số của chúng tôi là 9 con số", Giám đốc kinh doanh của Washington Post Jed Hartman nói với Stewart. Có nghĩa rằng, tờ báo đang thu được hơn 100 triệu USD. “Năm nay chúng tôi sẽ có năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng doanh thu 2 con số", Hartman nói thêm.

    “Nội dung là vua”

    Martin Baron - tổng biên tập Washington Post.

    Cũng giống như nhiều tờ báo khác, nền tảng tài chính của Washington Post vẫn phụ thuộc vào báo in – cho dù đây là mảng báo chí vẫn đang sụt giảm liên tục cả về phát hành lẫn doanh thu quảng cáo.

    Thế nhưng, sự khác biệt của tờ báo này vẫn là nội dung. Những tin tức sốt dẻo của Washington Post giờ đây đang được định hình trở thành câu chuyện mang tầm quốc gia.

    Mới đây, cây bút David Fahrenthold của tờ báo này đã giành giải Pulitzer trong thể loại tin tức quốc gia năm nay với loạt bài phản biện lại tuyên bố của Tổng thống Trump về đóng góp từ thiện, bên cạnh bài viết gây chấn động về đoạn ghi âm ông Trump khoe khoang việc quấy rối phụ nữ.

    Ngoài ra, Washington Post cũng là một trong những ứng cử viên cuối cùng tranh giải Pulitzer cho thể loại bình luận. Giới báo chí cũng kháo nhau rằng, chính việc Washington Post tiết lộ chuyện Michael T. Flynn nói dối mối quan hệ của ông với người Nga đã khiến nhân vật này bị sa thải khỏi vị trí cố vấn an ninh quốc gia.

    “Phóng sự độc quyền nói riêng, hay báo chí chất lượng cao nói chung là một phần không thể thiếu trong mô hình kinh doanh của Washington Post trong thời điểm các trang báo mạng điện tử đang chạy theo những thông tin nhạt nhẽo, câu khách với những dạng bài như quả dưa hấu nổ tung hay những thủ thuật nuôi dạy thú cưng”, cây bút kỳ cựu Stewart đánh giá.

    "Phóng sự điều tra là rường cột quan trọng đối với mô hình kinh doanh của chúng tôi", Martin Baron khẳng định. "Chúng tôi nói với mọi người về những gì họ chưa biết. Nhưng điều này không thể làm được, nếu thiếu sự hỗ trợ về tài chính. Công chúng nhận ra điều đó và sẵn sàng hỗ trợ cho chúng tôi bằng việc trả phí người dùng”, ông Martin Baron cho biết.

    Trong quý I năm nay, Washington Post đã có thêm hàng trăm nghìn người dùng trả phí mới sau những bài viết độc quyền và đầy góc nhìn mới về những cáo buộc giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và Nga.

    Báo in thoái trào, Washington Post chuyển hướng.

    Báo chí điều tra cũng thúc đẩy quảng cáo, Hartman cho biết. "Đó là yếu tố nâng tầm thương hiệu của chúng tôi", ông nói. "Các thương hiệu khác luôn muốn gắn bó với một thương hiệu đáng tin cậy". Craig Huber, nhà phân tích truyền thông và là một nhà báo kỳ cựu cho biết, Washington Post là 1 trong số 3 tờ báo, cùng với New York Times và Wall Street Journal, đang chuyển mình thành công: “Những người sẵn sàng trả 10 đến 12 USD/tháng cho việc đọc báo mạng ngoài 3 tờ nói trên là không nhiều” (Washington Post đang đưa ra mức phí 9,99 USD/tháng).

    Trong khi đó, theo Stewart, một tờ báo tiếng tăm cũng thu hút những “nguồn tin rò rỉ” nhiều hơn khi ai cũng sẽ lựa chọn tiết lộ cho một ấn phẩm có tác động lớn nhất. Các nhà hoạch định chính sách, hay những nhân vật có tầm ảnh hưởng cũng sẽ tìm kiếm một tờ báo có tiếng nói để lan tỏa quan điểm của mình.

    Martin Baron đã chỉ ra điều cơ bản nhất giúp tờ báo thành công là việc ông chủ Jeff Baros đã thay đổi hoàn toàn chiến lược và tầm nhìn của ấn phẩm này. Trước đó, đúng như tên gọi của mình, Washington Post chỉ là ấn phẩm mang tính cục bộ, khi chỉ tập trung vào khu vực Washington. Vì vậy tầm nhìn của tờ báo luôn bị hạn chế. Jeff nói ngay từ đầu rằng, đó không phải là chiến lược đúng đắn. Báo in đã chịu áp lực khắc nghiệt từ kỷ nguyên Internet, nhưng Internet cũng mang lại món quà cho họ, đó là mang đến tin tức miễn phí cho mọi người. Điều này cho phép Washington Post có khả năng trở thành một cơ quan tin tức tầm vóc quốc gia và thậm chí là quốc tế.

    Đối với nhiều người, Washington Post đang cho người Mỹ được sống lại những ngày tháng huy hoàng của báo chí với các vụ phanh phui bê bối trong hậu trường chính trị, với Nixon và Watergate... Nhưng các lãnh đạo hiện tại của Washington Post thừa nhận, thời thế đã thay đổi rất nhiều, những hào quang khi xưa sẽ không thể sống mãi trong thời đại bùng nổ kỹ thuật số hiện nay.

    “Ngày nay bạn phải giỏi tất cả mọi thứ”, Giám đốc kinh doanh Washington Post Jed Hartman nói. “Bạn phải giỏi công nghệ. Bạn phải giỏi kiếm tiền. Nhưng có một điều mà chúng tôi chứng minh được, đó là báo chí chất lượng cao có thể mang lại lợi nhuận”, ông Hartman nhấn mạnh.

    Quốc Vinh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/washington-post-tu-ke-an-may-di-vang-den-ga-khong-lo-ca-tinh-a194091.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan