"Mạnh tay" chi hàng hiệu
Theo CNBC, Ngân hàng Morgan Stanley cho biết số tiền mà người dân Hàn Quốc chi trả cho hàng xa xỉ thuộc hạng cao nhất thế giới.
Cụ thể, ngân hàng đầu tư này ước tính tổng chi tiêu của người dân Hàn Quốc cho hàng xa xỉ cá nhân đã tăng 24% vào năm 2022, lên mức 16,8 tỷ USD, tương đương khoảng 325 USD/người.
Theo ước tính của Morgan Stanley, con số này cao hơn nhiều so với mức chi tiêu tương ứng tại Trung Quốc và Mỹ, lần lượt chỉ là 55 USD và 280 USD.
Các thương hiệu cao cấp cũng có doanh số bán hàng tăng mạnh tại Hàn Quốc.
Cụ thể, Moncler - hãng thời trang trượt tuyết có trụ sở ở Italy – cho biết doanh thu tại Hàn Quốc trong quý 2/2022 tăng gấp hơn 2 lần so với trước đại dịch.
Hãng Richemont Group, chủ sở hữu thương hiệu Cartier, cho biết Hàn Quốc là một trong những thị trường ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 2 con số trong năm 2022, cả so với năm trước và so với cách đây 2 năm.
Hãng Prada nói rằng phong toả chống Covid ở Trung Quốc là một nguyên nhân khiến doanh thu bán lẻ của hãng giảm 7% trong năm 2022, nhưng sự sụt giảm thực tế “đã được bù đắp bởi kết quả tích cực ở thị trường Hàn Quốc và Đông Nam Á”.
Nguyên nhân
Việc nhiều thần tượng K-pop được mời làm đại sứ cho nhãn hàng xa xỉ đã kích thích giới trẻ ở nước này sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để sở hữu đồ hiệu.
Cụ thể, “Gần như tất cả những ngôi sao giải trí lớn ở Hàn Quốc đều là đại sứ của các thương hiệu hàng xa xỉ hàng đầu”, báo cáo viết, đề cập đến diễn viên Lee Min-Ho là đại sứ thương hiệu của Fendi hay rapper G-Dragon là đại sứ thương hiệu của Chanel.
Thương hiệu Dior đã chọn ca sỹ Rose của ban nhạc Blackpink làm gương mặt đại diện cho bộ sưu tập HardWear.
Dior cho biết lựa chọn này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người tiêu dùng và giúp doanh thu của bộ sưu tập tăng gấp đôi.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khác dẫn đến lượng mua sắm hàng hiệu "khủng" ở Hàn Quốc còn được cho là giới trẻ đang khẳng định vị thế bản thân trong xã hội.
Nhóm người tiêu dùng từ 18-30 tuổi chiếm gần 40% tổng doanh số bán hàng xa xỉ vào năm 2021. Lượng mua hàng xa xỉ của khách hàng ở độ tuổi 20 tăng gấp đôi mỗi năm.
Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, giải thích sự chênh lệch độ tuổi trong nhóm mua hàng là do sự khác biệt về văn hóa giữa các thế hệ.
Trong khi các thế hệ lớn tuổi có thói quen tiết kiệm tiền để vượt qua thời kỳ khó khăn kinh tế, thì thế hệ trẻ sinh ra trong thời kỳ sung túc lại quen tiêu tiền để tự thưởng cho bản thân.
''Tôi đã mua chiếc túi hàng hiệu đầu tiên của mình ở độ tuổi 20. Nhận tháng lương đầu là tôi mua ngay. Theo tôi, một chiếc túi chất lượng là một khởi đầu tốt cho sự nghiệp. Kể từ đó, tôi thường xuyên mua những chiếc túi xa xỉ, cả cao cấp và vừa phải, 1 hoặc 2 lần một năm'', Jang, một nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Seoul nói với tờ The Korea Times.
Christine Lee, một nữ nhân viên làm việc tại công ty bảo hiểm cho hay: ''Gen Z của Hàn Quốc đang theo đuổi phương châm sống YOLO (Bạn chỉ sống một lần duy nhất). Chúng tôi không thể mua nổi một ngôi nhà vì nó quá đắt, vậy tại sao chúng tôi phải tiết kiệm tiền cho tương lai?''.
Phương Linh (T/h)