Dân gian xưa nói nếu sống mũi của trẻ sơ sinh thấp (tẹt) quá, có thể thường xuyên vuốt, làm vậy có thể khiến cho sống mũi cao hơn. Theo Tân Hoa Xã, vuốt mũi gây nhiều nguy hại.
Vuốt mũi cho trẻ liệu có tác dụng?
Trẻ sơ sinh thời gian đầu thể trọng phát triển rất nhanh, mặt bé nào cũng tròn trịa bầu bĩnh. Giai đoạn này khoảng cách giữa sống mũi và 2 mắt lớn một cách rõ rệt.
Sau khi thóp của bé khép kín vào khoảng 1 đến 1,5 tuổi, xương mặt và xương mũi mới bắt đầu đẩy nhanh tốc độ phát triển, sống mũi cũng dần dần dài ra, thay đổi khung xương mũi sẽ tiếp tục phát triển tới sau tuổi vị thành niên mới dần dần trưởng thành hẳn. Sống mũi cao hay thấp là do các nhân tố như di truyền, tốc độ phát triển, dinh dưỡng thời kỳ đầu, chấn thương mũi quyết định, hiện nay chưa hề có căn cứ khoa học chính xác nào chứng thực việc thường xuyên vuốt mũi có thể làm mũi trở nên thẳng, cũng không có bất kỳ tác dụng thực tế nào.
Cha mẹ vuốt mũi cho trẻ sẽ gây nên những nguy hại gì?
Khoang mũi của trẻ sơ sinh ngắn hơn người lớn, không có lông mũi, lỗ mũi hẹp, nhiều mạch máu, nếu thường xuyên vuốt mũi của trẻ, sẽ ảnh hưởng hô hấp của bé, làm tổn thương niêm mạc và huyết quản, dẫn tới phản ứng viêm, từ đó dễ bị vi khuẩn, virus xâm nhập, dẫn tới gây bệnh. Ngoài ra, ống eustachian (ống thính giác) của trẻ nhỏ khá thô, ngắn, thẳng, vị trí cũng thấp hơn của người lớn, khi bị viêm nhiễm khoang mũi, vuốt mũi có thể khiến cho các chất tiết ra trong khoang mũi thông qua ống eustachian chui vào tai giữa, gây viêm tai giữa.
Mũi không chỉ là “cánh cửa” thông giữa cơ thể người và thế giới bên ngoài, mà còn là con đường hô hấp chủ yếu của trẻ sơ sinh. Nó không những có thể làm ẩm và lọc không khí hít vào, còn có thể ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy các chuyên gia lưu ý, phải chú ý chăm sóc mũi cho bé, tránh các thói quen sai lầm gây tổn thương mũi của trẻ sơ sinh. Cách hỉ mũi đúng là, mỗi lần hỉ một bên, khi hỉ mũi thì mở miệng ra, để phân tán áp lực trong khoang mũi, giảm thiểu khả năng làm tổn thương tai giữa qua ống eustachian.