+Aa-
    Zalo

    Vườn ngải bí ẩn của “thần y” qua lời kể của đệ tử chân truyền

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nắm trong tay bí quyết dùng ngải trị bệnh, “thần y” Chau Som được người dân ngầm tôn thờ như Phật sống.

    (ĐSPL) - Việc trồng ngải rắn có không ít kiêng kị, ví như: không được cho người phụ nữ đi qua khu vực có ngải, không được phơi quần áo của phụ nữ lên trên ngải...

    Nếu không tránh được những điều này, nhẹ thì ngải không còn tác dụng, nặng thì phải bỏ hết ngải đi...

    Vườn ngải nhiệm màu chữa bách bệnh?

    Nắm trong tay bí quyết dùng ngải trị bệnh, “thần y” Chau Som được người dân ngầm tôn thờ như Phật sống. Ông từng dùng y thuật và ngải do chính tay ông trồng chữa bệnh. Vườn ngải như một kho dược liệu quý hiếm. Tuy nhiên, sau ngày ông viên tịch, một số ngải bị kẻ xấu ăn cắp, một số chết, hiện chỉ còn lại cây ngải chữa rắn cắn.

    Chùa Phnom Pi Lơ, nơi xưa kia sư cả Chau Som ăn, ngủ cùng vườn ngải huyền bí của mình (ảnh: Hà Nguyễn).

    Nhiều năm sau ngày vị Phật sống Chau Som viên tịch, ngôi chùa Phnom Pi Lơ vẫn là địa điểm tin cậy bậc nhất trong việc chữa trị rắn cắn, thương tật của người dân ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn, An Giang). Ẩn giữa núi Nam Quy, chùa Phnom Pi Lơ huyền bí, linh thiêng trong văn hóa tâm linh của người dân địa phương không chỉ bởi tài, đức của vị sư cả Chau Som, mà còn là nơi tập trung vườn ngải trị bệnh nổi tiếng.

    Người dân nơi đây khẳng định, nhiều năm trước, có thời điểm, chùa Phnom Pi Lơ gần như trở thành bệnh viện cho cả ấp. Vườn ngải có đủ loại khác nhau được sư Chau Som dụng công chăm bón, nuôi trồng, phục vụ việc chữa bệnh. Tuy nhiên, do sự bí ẩn, không thể truyền đạt một cách đại trà, sau ngày “thần y” Chau Som viên tịch, vườn ngải cũng tiêu tán, lụi tàn.

    Sư Chau Sóc Kol (34 tuổi, trụ trì chùa Phnom Pi Lơ), người gọi thầy Chau Som bằng ông, xác nhận: “Chuyện chùa từng trồng nhiều ngải để chữa bệnh là việc có thật. Trước đây, chùa có hẳn một vườn ngải do chính tay sư cả chăm. Nhưng sau ngày sư cả qua đời, sư lại không biết cách chăm sóc ngải nên vườn ngải bị hao hụt đi khá nhiều. May mà lúc sư cả còn sống đã truyền lại bài ngải trị rắn cắn nên sư mới nắm được bài thuốc này.

    Những loại ngải khác, sư cả thường trồng nơi rừng sâu và chưa tiết lộ với ai nên đến giờ, không có ai biết cách trồng và dùng các loại ngải đó như thế nào”. Theo lời sư Chau Sóc Kol, nuôi, trồng ngải là một công việc bí mật, chỉ có những người đi tu, được chỉ dẫn mới biết.

    Theo sư Chau Sóc Kol, sư cả trồng vườn ngải huyền bí ngay trong chùa vì khu vực núi Nam Quy có nhiều chủng loại rắn. Việc mỗi sáng, người ta thấy rắn quấn nhau thành từng chùm trước hiên nhà, đu trên ngọn cây, góc chùa là chuyện bình thường.

    Cũng vì lý do trên, số lượng người bị rắn độc cắn ở địa phương này cao hơn những vùng lân cận rất nhiều. Để tự bảo vệ mình, bảo vệ mọi người, khi nghe tin sâu trong núi có một pháp sư Pàli nuôi ngải tên Tà Huol, sư Chau Som tìm đến thỉnh ngải và học thêm thuật trị bệnh.

    Sư Sóc Kol nhớ lại: “Sau khi sư cả học được phép dùng ngải, sư đem ngải về trồng trong chùa để chữa bệnh làm phước cho dân chúng. Những năm đó, người bệnh đến nhờ sư cứu nhiều lắm. Vì vậy, sư cả được nhiều người biết đến, được viết báo, được chính quyền địa phương nhiều lần tặng giấy khen,...”.

    Theo sư Chau Sóc Kol, vườn ngải huyền bí của “thần y” Chau Som nay chỉ còn sót lại loại ngải rắn được sư cùng người em ruột là Chau Kim Sa kế tục. Do tính chất bí mật, không thể tùy tiện truyền đạt ra ngoài, nhiều loại ngải khác đã bị người dân đánh cắp hoặc theo sư cả Chau Som về miền cực lạc.

    Những kiêng kị khó hiểu khi trồng ngải

    Sư Chau Kim Sa cho biết: “Khi sư cả còn sống, người trồng nhiều ngải lắm. Nhưng ngải không giống các loại cây khác, việc chăm sóc, nuôi trồng nó cũng có những điều huyền bí. Công năng của các loại ngải cũng chưa ai lý giải được. Có loại ngải khi uống vào cơ thể, đao kiếm chém không biết đau. Vì vậy, sư cả nuôi chúng trong chùa, ngay nơi sư ăn, nghỉ. Hằng ngày, sư cả nhờ các sư tưới nước, nhặt cỏ dại, chăm sóc cho các loại ngải”.

    Hai vị sư hiếm hoi được sư Chau Som truyền đạt phương pháp chữa rắn cắn bằng ngải bí truyền (ảnh: Hà Nguyễn).

    Khi ngỏ lời muốn được xem ngải rắn, sư Chau Sóc Kol dẫn PV ra vườn mục kích ngải quý. Quan sát thực tế, ngải rắn không mang vẻ ngoài huyền bí như tên gọi. Đây là một loại thảo dược có củ, thân cây có những điểm giống với cây nghệ.

    Tuy nhiên, theo sư Chau Kim Sa, dù trông hết sức bình thường, nhưng việc nuôi ngải này cũng có cách chăm sóc, kiêng kị nhất định. “Cũng như những ngải khác, ngải rắn cũng phải có những điểm kiêng kị riêng. Ngải rắn không được trồng ở nơi đất bẩn mà phải trồng ở đất sạch, thoáng, yên tĩnh, không có người phóng uế bừa bãi... Quan trọng hơn, không được cho người phụ nữ đi qua khu vực có ngải, không được phơi quần áo của phụ nữ lên trên ngải. Nếu không tránh được những điều này, nhẹ thì ngải không còn tác dụng, nặng thì phải bỏ hết ngải đi”, sư Chau Kim Sa cho biết.

    Theo vị sư này, mặc dù trông ngoại hình không chút gì đặc biệt, bí hiểm, nhưng ngải rắn lại có công dụng kỳ diệu trong việc chữa trị rắn cắn. Bằng cách giới thiệu những trường hợp bị rắn cắn và từng được sư chữa trị cụ thể, sư Chau Sóc Kol tự hào khẳng định, ngải rắn hoá giải được tất cả các loại độc của các loài rắn. Khi bị rắn cắn, tùy mức độ nặng nhẹ, sư đều có thể dùng ngải này chữa khỏi hết. Nếu bị cắn nhẹ thì chỉ cần đắp ngải năm phút là khỏi, nặng thì vài tiếng đến vài ngày là hết.

    Theo kinh nghiệm của sư, người bị rắn cắn, nếu đến để sư dùng ngải chữa trước, thì mau khỏi, dễ khỏi hơn. Ngược lại, nếu nhập viện rồi mới đến sư dùng ngải thì lâu hơn vì thuốc của bác sỹ ngăn chặn, làm chậm tác dụng của ngải rắn. 

    Từng cứu chữa nhiều người bị rắn cắn

    Đại diện UBND xã Châu Lăng cho biết: Chuyện chùa Phnom Pi Lơ nổi tiếng có bài thuốc chữa rắn cắn bằng ngải xuất hiện từ những năm trước giải phóng. Khoảng năm 1960, sư trụ trì Chau Som của chùa đã được người dân biết tới với phương pháp chữa bệnh độc đáo của mình. Thời điểm đó, không chỉ bà con trong vùng, nhiều lãnh đạo của địa phương cũng từng được sư Chau Som chữa trị. Do vậy, bản thân sư trụ trì được nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể tặng giấy khen về những hoạt động nhân đạo của mình. Hai sư trẻ là đệ tử chân truyền của sư Chau Som cũng được biết đến như hai thầy thuốc chữa rắn cắn bằng phương pháp đặc biệt.

    Đi tìm câu thần chú màu nhiệm

    Người dân địa phương cho biết, khi dùng ngải rắn, ngoài việc đắp củ ngải rắn đập dập lên vết thương, người chữa còn đọc một đoạn chú từ kinh PaLi (ngôn ngữ kinh điển của Phật giáo Nam Tông-PV). Không có đoạn kinh này, dù có đắp ngải, vết thương cũng không lành, nọc độc không tiêu tán, người bị rắn cắn không thể thoát cơn nguy kịch.

    Khẳng định thông tin trên, sư Chau Sóc Kol cho biết: “Mặc dù ngải rắn rất công hiệu nhưng không biết chú thì cũng không dùng được. Khi đắp ngải lên chỗ rắn cắn, sư còn phải đọc một đoạn chú PaLi. Mỗi loại bệnh khác nhau đều có bài chú khác nhau bằng tiếng PaLi. Nếu người bị cắn nhẹ, sư chỉ cần đọc chú Pali là khỏi, nặng hơn thì dùng ngải rắn kết hợp với nhiều loại dược thảo nữa, sau đó mới đọc chú”.

    HÀ NGUYỄN – NGỌC LÀI

    Xem thêm video:

    [mecloud]zFk5xHpLXN[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vuon-ngai-bi-an-cua-than-y-qua-loi-ke-cua-de-tu-chan-truyen-a96379.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.