Nỗi đau mất người thân chưa nguôi ngoai, gia đình anh Định lại tiếp tục chuẩn bị tinh thần cho nỗi lo mới về những ngày tháng chi tiêu eo hẹp hơn.
Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo Tri thức trực tuyến, 23h ngày 21/10/2018, từ Gia Lai trở lại Sài Gòn sau đám cưới người thân, vợ chồng anh Định đưa Khanh (tên con gái nạn nhân đã được thay đổi) về căn nhà tại Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức). Họ gửi ôtô trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) rồi lấy xe máy về nhà với con.
Cô con gái chờ mãi cánh cửa sắt vẫn im lìm. Điện thoại của bố mẹ đều không liên lạc được.
Đến sáng sớm hôm sau, Khanh đập cửa tìm chị Hồ Thị Thùy Trâm (40 tuổi, hàng xóm) với hàng nước mắt lăn dài trên má, trong tay là bản tin về vụ tài xế lái BMW gây tai nạn ở Hàng Xanh khiến 1 người chết, nhiều người bị thương. Ngay khi thấy chiếc xe máy và biển số xe, chị Trâm biết có chuyện chẳng lành nên vội vàng chở em đi tìm bố mẹ.
Tới bệnh viện Chợ Rẫy, hai cô cháu tìm thấy anh Định (bố Khanh), nhưng hỏi khắp nơi trong bệnh viện không ai biết chị Phụng ở đâu. Họ lại tiếp tục tới hai trụ sở công an phường mà vẫn không có tin tức gì. Cuối cùng, khi đến gặp Công an quận Bình Thạnh, họ nhìn hai cô cháu với ánh mắt ái ngại rồi bảo Khanh đi ra ngoài.
Rời trụ sở, chị Trâm không dám nhìn vào mắt Khanh, sợ rằng ánh mắt thương cảm của mình sẽ làm cô bé gục ngã. Bất ngờ, Khanh níu áo chị, nước mắt ràn rụa, giọng nói xen lẫn tiếng nấc.
"Con biết hết rồi. Con biết mẹ mất rồi. Con coi trong clip thấy mẹ mặc áo trắng, nằm dưới gầm xe BMW đó. Mẹ con mất rồi, mẹ mất rồi...", giọng em nhỏ dần rồi bị nuốt hẳn sau tiếng nấc nghẹn ngào.
Chị Hiếu đang là người nuôi dưỡng và chăm sóc cho con gái chị Phụng - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Từ khi thảm kịch xảy ra, cuộc sống của cả đại gia đình vốn yên bình bỗng chốc bị xới tung với nhiều mối lo toan không lường trước.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (30 tuổi, em gái nạn nhân) trở thành người gánh vác trách nhiệm săn sóc Khanh. Để giúp em sớm vượt qua nỗi đau và ổn định cuộc sống, gia đình chị Hiếu quyết định chuyển từ căn hộ ở quận Bình Tân về ngôi nhà anh Định, chị Phụng trên đường Kha Vạn Cân sống cùng cháu gái.
“Cứ nghĩ cảnh mẹ nó không còn, ba thì bị thương, không ai lo cho cháu là tôi lại thấy xót. Ngoài việc về ở với cháu, tôi không còn biết làm gì cả, cảm thấy rất bế tắc”, chị Hiếu kể.
Chị Trâm (hàng xóm) xót xa: “Nhìn thấy bé Khanh dìu ba ra tận đầu ngõ, tiễn ba về là tôi lại thấy thương. Chỉ sau một đêm, cả gia đình đang đầm ấm, hạnh phúc bỗng thành ra như vậy”.
Sau tai nạn, để lo chi phí chữa chạy, anh Định đã bán cả xe máy và ôtô, chỉ giữ lại căn nhà cho bé Khanh có nơi đi chốn về. Sức khỏe yếu, chưa đi lại được nhiều, công việc kinh doanh cũng từ đấy mà đứt gánh. Anh chưa thể tạo ra thu nhập để tiếp tục nuôi nấng con gái.
Mọi chi tiêu trong nhà rồi tiền học phí của Khanh đều lấy từ tiền mẹ để lại. Khoản tiền ấy cũng cạn dần, cả gia đình lại tiếp tục chuẩn bị tinh thần cho nỗi lo mới về những ngày tháng chi tiêu eo hẹp hơn.
Liên quan đến vụ tai nạn kinh hoàng, Tuổi trẻ Online đưa tin, trước khi phiên tòa diễn ra gia đình nạn nhân đã có đơn bãi nại cho bị cáo. Trong đơn, gia đình đã xin cho bà Nga không phải đi tù để có điều kiện ở ngoài kiếm tiền, khắc phục hậu quả.
Luật sư của bà Nga cũng cho biết gia đình bà khó khăn chứ không phải "đại gia" như nhiều người vẫn nghĩ. Chồng 80 tuổi bị ung thư, con mắc chứng tự kỷ nhưng bị cáo đã vay mượn để khắc phục phần nào hậu quả do vụ tai nạn để lại.
Quỳnh Chi(T/h)