Liên quan đến vụ vợ Giám đốc sở Tư pháp Lâm Đồng bị bắt, trong số các hợp đồng ủy quyền mà bà Liên dùng để vay mượn hàng chục tỷ đồng của bà P. có đến 2 hợp đồng mà người có bất động sản đã chết từ 3 năm trước, nhưng vẫn điểm chỉ trong hợp đồng ủy quyền có công chứng.
Theo báo Thanh Niên, bà Bùi Thị Mai Liên (Giữ chức Trưởng phòng Hành chính Tư pháp của sở Tư pháp Lâm Đồng)- người vừa bị bắt giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Văn phòng Công chứng Đoàn Quang Lưu (TP Đà Lạt) đã “dựng” 2 cụ bà đã chết 3 năm “sống lại” điểm chỉ ủy quyền sử dụng đất.
Cụ thể, để vay mượn hàng chục tỷ đồng của bà P. (ngụ phường 6, TP Đà Lạt), bà Liên đã đưa cho bà P. một số "hợp đồng ủy quyền" đều do công chứng viên Chủ Văn Sửu, Văn phòng công chứng Đoàn Quang Lưu, chứng thực.
Chiếu theo hợp đồng, người có bất động sản giao cho bà P. được toàn quyền tặng cho, góp vốn, sang nhượng, thế chấp bất động sản của mình. Mặc dù có quyền định đoạt như vậy, nhưng thực tế bà P. lại không được cầm trong tay một sổ đỏ nào cả. Tất cả các hợp đồng ủy quyền và vay mượn tiền do bà Liên làm sẵn mang đến tận nhà để bà P. ký, và bà P. không phải đến Văn phòng công chứng Đoàn Quang Lưu để cùng người có tài sản ký kết theo quy định.
Đến thời hạn trả nợ, bà Liên nhiều lần khất nợ và né tránh, lúc này bà P. tìm hiểu kỹ mới biết mình bị lừa. Trong số các hợp đồng ủy quyền bà P. đang giữ có bà Bùi Thị H. và Võ Thị H. ủy quyền cho mình đều đã chết 3 năm trước, nhưng vẫn điểm chỉ trong hợp đồng ủy quyền có công chứng.
Nơi bà Liên làm việc. Ảnh: Thanh Niên |
Trao đổi với Pv báo Thanh Niên, anh S. (con trai bà Bùi Thị H.) cho hay, mẹ anh mất từ ngày 23/4/2017, sau đó anh có đến Văn phòng công chứng số 1 (TP Đà Lạt; có công chứng viên Bùi Hữu Quang Luận, là cháu bà Liên và vừa bị bắt giam cùng với bà Liên) để làm thủ tục nhận thừa kế, làm lại sổ đỏ mang tên anh; chứ không hề đến Văn phòng công chứng Đoàn Quang Lưu. Anh S. phán đoán có lẽ vì thế nên bà Liên biết thông tin về mẹ anh, về nhà đất của gia đình anh nên làm ra “Hợp đồng ủy quyền” giả mạo để vay tiền.
Diễn biến liên quan đến vụ việc, theo báo Người lao động, bà N. (một chủ nợ) cho biết, dù bà Liên đã thế chấp một số đỏ diện tích 1.597 m2 (ở phường 7) để vay ngân hàng 13,5 tỉ đồng, nhưng vẫn làm thủ tục để tách ra được 5 sổ đỏ từ diện tích 1.597 m2 nói trên. Đúng ra, sau khi tách sổ, bà Liên phải đưa 5 sổ này vào ngân hàng, thay cho sổ gốc không còn giá trị; nhưng bà Liên tiếp tục dùng 5 sổ này để bán cho nhiều người lấy tiền.
Một cán bộ UBND phường 7, TP Đà Lạt, cho biết, vài năm trước đây, vợ chồng bà Bùi Thị Mai Liên mua gom đất nông nghiệp tại thôn Măng Lin, phường 7 và tự quy hoạch thành khu dân cư với hơn 50 lô. Trong số này, bà Liên đã bán được một số lô. Bà N.T.T.T cho biết bà mua của bà Liên 4 lô, mỗi lô có diện tích 220 m2 với tổng giá trị 4 lô là 8,2 tỉ đồng và đã được chuyển sang đất ở. Thế nhưng, có nhiều người cũng mua đất tại đây vẫn chưa thể chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Theo một cán bộ địa chính, ở TP Đà Lạt với đất nông nghiệp, khi muốn tách sổ riêng phải có diện tích từ 500 m2 trở lên.
Ngày 18/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, tỉnh đã chỉ đạo sở Tư pháp báo cáo cụ thể bằng văn bản sự việc xảy ra tại sở, và tìm người thay thế vị trí Trưởng phòng Hành chính Tư pháp đối với trường hợp của bà Bùi Thị Mai Liên.
Hoàng Yên (T/h)