Do bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam vắng mặt tại tòa nên phiên xử sơ thẩm tiếp tục bị hoãn lại cho tới ngày 17/10.
Sáng 24/9, trong khuôn viên phòng xử và khu vực TAND TP.HCM, hàng trăm tài xế Vinasun có mặt tại tòa để theo dõi phiên tòa xét xử sơ thẩm sau 7 tháng tạm dừng.
Đây là vụ án “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt là Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Phiên xử Vinasun kiện Grab bị tạm hoãn do bị đơn vắng mặt. Ảnh: Dân Việt |
Tuy nhiên, đến gần giờ xét xử, chủ tọa phiên tòa tuyên bố hoãn phiên tòa với lý do bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) có đơn xin hoãn phiên tòa và vắng mặt tại tòa.
Theo thông báo từ chủ tọa phiên tòa, ngày đưa ra xét xử lại được ấn định vào sáng 17/10 tới tại TAND TP.HCM.
Trước đó, vụ việc từng 2 lần được đưa ra xét xử nhưng tòa buộc tạm hoãn phiên tòa để hai bên thu thập bổ sung thêm tài liệu chứng cứ.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, thời gian gần đây, Grab đã gây thiệt hại cho các hãng taxi truyền thống bằng những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá.
Hàng trăm tài xế Vinasun tập trung trước cổng tòa án - Ảnh: Thanh Niên |
Nguyên đơn cho rằng, việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công thương, theo Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mại không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày. Tuy nhiên, Grab tổ chức khuyến mại tràn lan, vượt quá quy định, bất kể thời gian.
Bên cạnh đó, Vinasun còn tố cáo chương trình GrabShare (dịch vụ đi chung) rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật vì Bộ GTVT đã liên tục có văn bản chấn chỉnh hành vi kinh doanh này.
Ngoài ra, nguyên đơn còn cung cấp cho tòa nhiều chứng cứ gồm văn bản, hình ảnh và khoảng hơn 20 video để chứng minh Grab vi phạm pháp luật kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tòa án buộc Grab phải kinh doanh dựa trên pháp luật về cạnh tranh công bằng.
Nguyễn Phượng (T/h)