Câu chuyện cầu thủ U.19 tuổi dính “nghi án” gian tuổi thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là khi VTV dùng thời lượng lớn để tung ra những bằng chứng khẳng định Công Phượng 21 tuổi, tức là sinh năm 1993 chứ không phải 1995.
Về vấn đề này, có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là cách một cơ quan báo chí lớn như VTV đối xử với một tài năng bóng đá như Công Phượng. Báo Lao Động đã gặp và nghe những chia sẻ của những người đã giữ vị trí quản lý báo chí và những Đại biểu QH quan tâm đến vấn đề này.
* Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH: Đừng để tài năng đang nở rộ lại phải chấm dứt sớm
“Theo tôi, việc tìm hiểu tuổi thật của cầu thủ Công Phượng thì nên để cơ quan chức năng có thẩm quyền làm việc, người ta sẽ tìm hiểu chính xác độ tuổi, khai sinh, lý lịch… của họ như thế nào, chứ mình không nên phán xét thay cơ quan chức năng.
Thứ hai, mình phải cân đối thế nào để không ảnh hưởng tới tài năng, vì như thế sẽ làm ảnh hưởng tâm lý, làm thui chột một tài năng. Nếu chưa có kết luận từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền, thì mình nên để cho Công Phượng tập trung vào luyện tập, thi đấu, đừng để bị ảnh hưởng tâm lý thi đấu, thui chột tài năng, có thể dẫn tới những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Đừng để tài năng đang nở rộ lại phải chấm dứt sớm.
Tôi thấy rằng báo chí lâu nay rất khách quan trong việc đưa tin, tuy nhiên, theo tôi những việc liên quan đến đời tư thì báo chí không nên đi quá sâu vào việc này. Nếu mình đi sâu quá vào đời tư của người khác, có thể khiến họ bị tổn thương. Tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa, báo chí không nên quá đi sâu vào đời tư của người khác, nên tôn trọng tài năng, những cống hiến thực sự của người ta.
* Ông Dương Trung Quốc - Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai: Không nên kết án thay cơ quan chức năng
“Theo tôi, liên quan đến vụ việc của Công Phượng, có hai vấn đề. Thứ nhất, chúng ta rất muốn đấu tranh chống sự dối trá, gian lận trong thể thao, điều đó rất chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề thứ hai thì lại nảy sinh từ điều thứ nhất, qua đó lại nảy sinh những yếu tố tác động tiêu cực, đó là sự ganh tị, đố kỵ. Trên thực tế, chúng ta đang có tình trạng là chưa có chế tài để xử lý những người nói sai, nên đã dung dưỡng tình trạng này. Nói chung là anh em báo chí nên hướng tới mục đích là đóng góp cho bóng đá nói chung, còn việc tuổi tác nên để cho cơ quan chức năng thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Khi có kết luận rồi thì lúc đó ta mới có thể phê phán.
Tôi cho rằng truyền hình tạo ra áp lực rất lớn cho xã hội, thậm chí nó còn có thể định hướng xã hội, trong khi mọi chuyện chưa kết thúc. Mặc dù báo chí có quyền đi điều tra nhưng không có quyền kết luận, nhất là không có quyền kết luận thay cơ quan chức năng.
Trong vấn đề này cũng cần nói thêm: Quyền riêng tư cá nhân đã bị xâm phạm.
* Ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT: Hãy chọn cách làm nhân văn
Quan điểm của tôi là đồng tình việc phê phán hành vi thiếu trung thực gian dối trong thể thao, cũng như các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nếu có việc gian dối tuổi, chắc chắn không phải xuất phát từ Công Phượng, mà là từ người lớn, từ đơn vị, quản lý, tổ chức… Vì vậy, việc đưa Công Phượng ra để phê phán hành vi này là thiếu toàn diện, không thỏa đáng. Mặt khác, việc dùng nhiều thời lượng, chương trình để tập trung cho việc này là quá mức.
Nếu nhóm điều tra có chứng cứ chính xác, sau khi đưa thông tin có vụ việc như vậy nên chuyển tài liệu chứng cứ cho cơ quan chức năng kết luận xử lý. Công Phượng còn quá trẻ, có tài năng, nếu có sai phạm thì việc phê phán cũng nên tạo điều kiện để cháu tiếp thu được để còn tiếp tục sự nghiệp, tránh phê phán tới mức không thể cất đầu lên được, đồng thời khi phê phán Công Phượng nên đặt vào địa vị đó là con mình, cháu mình, em mình... chắc mọi người sẽ có cách làm nhân văn hơn...
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-tuoi-that-cong-phuong-tai-nang-can-duoc-ton-trong-a69841.html