(ĐSPL) - Thiếu bằng cấp, trình độ học vấn, mở lớp học tự do... là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành nhiều như hiện nay.
Mới đấy, tại Quảng Bình xảy ra vụ một bé trai 14 tháng tuổi bị cô giáo của Trường Mầm non Sơn Ca trói tay và đánh đập vì không chịu ăn.
[mecloud]bZM5HQHtiA[/mecloud]
Trao đổi với PV Báo Đời sống & Pháp luật, TS. Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học trường ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho biết, đây là hành vi bạo hành trẻ em vượt ngoài sự kiểm soát của ngành giáo dục.
Trước tiên, các cô giáo sẽ phải trịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi đó. Ngành giáo dục không thể bao che cho những sai phạm như vậy. Khi câu chuyện xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, ngành giáo dục sẽ phải giao cho cơ quan pháp luật.
TS Hương cho rằng, cần phải kiểm tra lại bằng cấp, quá trình học tập của các cô giáo mầm non, bởi theo bà, nếu các cô giáo đã được đào tạo trường lớp thì chắc chắn có hiểu được rằng đó là một hành vi không thể chấp nhận được, cho dù trong hoàn cảnh nào hay bất kỳ lý do sức ép gì.
Hình ảnh bé L. bị trói tay chân được ghi lại... |
Có thể nhận thấy, việc bạo hành hầu như không xuất hiện ở những thành phố lớn. Tại đây các trường học được kiểm soát bằng bằng cấp của giáo viên rất kỹ càng, chặt chẽ. Các cô giáo phải được đào tạo một cách bài bản và cẩn thận. Cũng có lúc các cô không kiềm chế được, nhưng sự việc không lớn như thế.
Theo bà Hương, cũng cần đặt ra một câu hỏi, quá trình đào tạo, tuyển chọn nhân sự ở đây như thế nào. Rất nhiều cô giáo chỉ tốt nghiệp lớp 12, thậm chí còn chưa tốt nghiệp lớp 12 cũng đứng ra mở lớp, mở trường để dạy học tương đối tự do.
TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học trường ĐH Sư Phạm Hà Nội. |
Riêng ở trường Tiểu học, Trung học hay cấp THPT, muốn mở trường học thì phải có sự đồng ý của bộ giáo dục, phòng giáo dục và các ban ngành liên quan rất nghiêm... Nhưng trường mầm non chỉ cần UBND phường cấp giấy chứng nhận là có thể mở lớp dạy học. Nhiều cơ sở tư nhân không có giấy tờ vẫn có thể hoạt động. Rõ ràng việc quản lý chuyên môn là lỏng lẻo hơn rất nhiều.
"Chính những điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện bạo hành đau lòng như vậy”, TS Hương nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo TS Hương, việc bị bạo hành ảnh hưởng nặng nề đến trẻ, trước tiên là cơ thể, trầm trọng hơn nữa là tâm sinh lý. Trong các loại bệnh của con người, rõ rệt nhất là bệnh liên quan đến não và tâm lý.
Bà Hương cho hay, bà đã từng phỏng vấn những em thường bị bạo hành từ nhỏ. Khi lớn lên, các em rất ngại tiếp xúc và mở rộng quan hệ với người khác vì luôn có cảm giác bất ổn. "Điều đó cho thấy, bạo hành trẻ em là trách nhiệm của các nhà hành pháp chứ không chỉ riêng những nhà giáo dục nữa”, TS Hương kết luận.
HOA TRẦN
Video tin tức đang được xem nhiều:
[mecloud]UelydjNKRR[/mecloud]