(ĐSPL) – “Với hành động của các cô giáo, chúng ta không thể giải thích bằng áp lực tâm lý, stress nữa bởi rõ ràng đây là hành động hoàn toàn có ý thức…”, TS Quân cho hay.
Đó là quan điểm của TS Tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở Lao động – Thương binh và xã hội TPHCM về việc bé trai 14 tháng tuổi bị bạo hành tại Quảng Bình gây dư luận mấy ngày qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, môi trường làm việc của các cô giáo thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều trẻ, tiếng trẻ quấy khóc, ồn ào… dẫn đến căng thẳng và không kiểm soát được hành vi của mình.
Nói về điều này, TS Quân cho rằng, khi nhìn nhận vấn đề ở góc độ ngược lại thì chắc chắn một điều, với tính chất đặc thù của giáo viên mầm non thì áp lực công việc họ gặp phải là vô cùng lớn. Đây là một trong những lý do để lý giải nhiều trường hợp thầy cô giáo không kiểm soát được cảm xúc của mình và có những hành vi không như mong đợi.
Hình ảnh bé trai 14 tháng tuổi bị bạo hành. |
Bởi lẽ, các bậc phụ huynh đều hiểu được rằng, bản thân chúng ta đôi khi cũng khó kiểm soát cảm xúc của mình với con cái mỗi khi con không nghe lời. Trong khi đó, các cô giáo thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều trẻ em nên vẫn có thể thông cảm, quan tâm ở một mức độ có thể chấp nhận và dùng yếu tố tâm lý để thể lý giải.
Nhưng việc bạo hành như những trường hợp gần đây thì không thể lấy áp lực tâm lý để lý giải và bao biện mặc dùng những áp lực đó là có thật.
“Việc một đứa trẻ 14 tháng tuổi bị trói tay, chân và nhét giẻ vào miệng thì không thể nói là do áp lực tâm lý vì rõ ràng chúng ta có thể thấy đây là hành động hoàn toàn có ý thức.
Việc áp lực tâm lý, không kiềm chế được cảm xúc để bao biện cho những hành vi mà bản thân họ hoàn toàn có thể kiểm soát được là không thỏa đáng”, TS Quân cho biết.
TS Tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở Lao động – Thương binh và xã hội TPHCM. |
Cũng theo TS Quân, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành nhiều như hiện nay.
Thứ nhất, đó là quyền trẻ em đang bị xâm phạm và nguyên nhân là dựa vào ý thức của người lớn. Những người bạo hành không ý thức được việc xâm hại trẻ em là một hành vi vi phạm pháp luật, họ tự cho mình quyền như là cha mẹ hoặc bảo mẫu để giáo dục, dạy dỗ trẻ em. Những suy nghĩ này sai về mặt pháp luật cũng như nhận thức để dẫn đến những hành vi bạo hành gần đây.
“Rõ ràng điều đó là không phù hợp, là căn nguyên của vấn đề”, TS Quân nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ hai đó là việc giải quyết và can thiệp của các cơ quan chức năng chưa được kịp thời, chưa có tính răn đe cao. Nếu những đối tượng bạo hành bị xử lý kịp thời và thích đáng, tạo được tiếng nói thì những hành vi như vậy sẽ được hạn chế, nếu không sẽ ngược lại.
Thêm vào đó, nguyên nhân nữa xuất phát từ chính xã hội quanh ta. Có trường hợp những người hàng xóm hay những người thân chứng kiến cảnh tượng bạo hành nhưng lại không lên tiếng để phản đối hoặc không báo cơ quan chức năng cũng vô tình làm dung túng thêm việc bạo hành.
Bày tỏ quan điểm về di chứng của bạo hành. Theo TS Quân, có nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu như trẻ lớn lên trong môi trường bạo hành thì khi lớn lên sẽ có xu hướng gây hấn nhiều hơn nhưng đứa trẻ bình thường khác.
“Đối với bé trai mới xảy ra gần đây có thể không để lại di chứng sau này, bởi việc bạo hành được phát hiện ngay và ngăn chặn kịp thời. Cú sốc tâm lý của em đã bộc lộ ngay, nó diễn ra khoảng 1-2 ngày hoặc lâu hơn một thì sẽ dừng lại”, TS Quân cho hay.
HOA TRẦN