Liên quan đến vụ trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội), luật sư cho rằng, nếu 2 gia đình đạt sự đồng thuận hoán đổi thì chính quyền sẽ hướng dẫn cụ thể cho quá trình chuyển đổi các giấy tờ pháp lý.
Đầu tháng 4/2018, gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi), ở thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) phát hiện mình bị bệnh viện trao nhầm con 6 năm trước với gia đình chị Vũ Thị Hương (35 tuổi) ở Phú Sơn, cách gần chục km. Tuy nhiên, sự việc kéo dài tới nay vẫn chưa đi đến thống nhất về phương án đền bù.
Ngày 13/7, Sở Y tế Hà Nội ra hạn chót giải quyết vụ việc này trước ngày 20/7.
Trước đó, trao đổi trên báo chí, anh Phùng Giang Sơn chia sẻ bản thân rất sốt ruột về việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý bởi cả hai con đều chuẩn bị bước vào lớp một. Hơn nữa, con ruột của anh đang gặp vấn đề sức khoẻ nên anh mong muốn sớm được đón con về để chữa trị.
Hủy giấy khai sinh cũ để làm lại giấy khai sinh mới
Liên quan đến những thủ tục nhận lại con ruột, trao đổi trên Tri thức trực tuyến, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc công ty luật Hoàng Sa) cho rằng thủ tục trao trả, tiếp nhận con đẻ một cách hợp pháp cần căn cứ vào Luật Hộ tịch năm 2014.
Anh Sơn và chị Hiền, người đã nuôi con của chị Hương 6 năm qua - Ảnh: VnExpress |
Trước tiên, 2 gia đình phải có giấy chứng minh quan hệ huyết thống xét nghiệm từ bệnh viện hoặc cơ quan giám định có thẩm quyền.
Khi có chứng nhận quan hệ huyết thống với con đẻ, bố mẹ 2 cháu bé đến UBND cấp xã hoặc cấp huyện nộp tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu và giấy xác nhận quan hệ huyết thống để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Tiếp đó, phụ huynh phải hủy giấy khai sinh cũ để làm lại giấy khai sinh mới cho các cháu tại UBND xã sở tại. Để làm lại giấy khai sinh cho 2 cháu bé, cần có giấy chứng sinh thời điểm các cháu sinh ra.
Trường hợp không tìm được giấy chứng sinh, các thủ tục để làm lại giấy khai sinh mới sẽ phức tạp hơn. Khi đó, cha mẹ phải làm thủ tục đổi họ, tên cho 2 cháu. Việc này được thực hiện tại UBND huyện Ba Vì. Nếu cả 2 gia đình đạt sự đồng thuận hoán đổi thì chính quyền sẽ hướng dẫn cụ thể cho quá trình chuyển đổi các giấy tờ pháp lý.
Khoản 2 Điều 6 Luật hộ tịch 2014 quy định, khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Trường hợp này, các con chưa thành niên thì người giám hộ - tức là bố mẹ đã nuôi các con từ bé phải cùng có mặt.
Theo luật sư Giáp, trong vụ việc này, chị Hương đã ly hôn. Do đó, nếu giải quyết theo trình tự pháp luật, có thể căn cứ Điều 352 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để tiến hành các thủ tục yêu cầu TAND Cấp cao tại Hà Nội tái thẩm vụ án, do có tình tiết mới đó là bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn.
Ngoài ra, khi đăng ký lại khai sinh, con đẻ của chị Hương dựa trên giấy tờ chứng cứ huyết thống. Vì vậy, chị Hương có thể làm giấy khai sinh cho con mà không cần chồng cũ có mặt do giấy tờ chứng minh cha, con đã được chứng thực.
Chị Vũ Thị Hương - Ảnh: VietNamNet |
Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, trao đổi trên Lao động, bà Hồ Xuân Hương, Phó giám đốc Sở tư pháp Hà Nội cho hay, trên căn cứ xét nghiệm AND, xác định đúng sự việc trao nhầm con diễn ra, 2 gia đình có thể thỏa thuận trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương là có thể nhận lại con ruột của mình.
Tuy vậy, đó là về mặt thực tế, về các thủ tục pháp lý thì phức tạp hơn nhiều.
Theo bà Hương, thủ tục về mặt pháp lý của 2 cháu thuộc thẩm quyền của khối UBND. Đầu tiên, phải hủy giấy khai sinh cũ để làm lại giấy khai sinh mới cho các cháu tại UBND xã sở tại. Để làm lại giấy khai sinh cho 2 cháu thì phải có giấy chứng sinh thời điểm 2 cháu được sinh ra. Nếu không thể tìm lại giấy chứng sinh, các thủ tục để làm lại giấy khai sinh mới sẽ phức tạp hơn.
Thứ hai, phải làm thủ tục đổi họ, tên cho 2 cháu, việc này sẽ được thực hiện tại UBND huyện Ba Vì. Nếu cả 2 gia đình đạt sự đồng thuận về mặt hoán đổi thì phía UBND xã sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho quá trình chuyển đổi các giấy tờ pháp lý.
Bệnh viện phải bồi thường thiệt hại
Về những tổn thất mà 2 gia đình bị trao nhầm con gánh chịu, trao đổi trên Tuổi Trẻ Online, luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, hai bên gia đình cần khởi kiện để yêu cầu bệnh viện bồi thường tổn thất tinh thần. Nếu việc trao nhầm con do lỗi vô ý thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 176 (ngày 14/11/2013 của Chính phủ).
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì căn cứ điều 597 Bộ luật dân sự 2015, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho hai gia đình này. Những khoản thiệt hại mà 2 gia đình bị trao nhầm con có thể yêu cầu bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất như: chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch... và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Luật sư Đặng Trường Thanh nói thêm ngoài những tổn thất về vật chất có thể định lượng được một cách cụ thể, còn có những thiệt hại, nỗi đau về mặt tinh thần như: vì đứa con bị trao nhầm mà vợ chồng nghi ngờ nhau khiến hôn nhân đổ vỡ; hoặc vì lời gièm pha, đàm tiếu của những người xung quanh mà gia đình bị trao nhầm con lo lắng, mất ăn mất ngủ khiến tinh thần sa sút, cuộc sống không hạnh phúc... cần phải được bồi thường thỏa đáng.
"Trong thực tế việc đổ vỡ gia đình đã xảy ra nên thiệt hại này không khó chứng minh để đòi bệnh viện bồi thường" - luật sư Đặng Trường Thanh nói.
Cự Giải (T/h)