Ngày 7/2, vụ án cô gái Trung Quốc bị phân xác trong vali ném xuống sông Hàn đã gây xôn xao dư luận cả nước. Sau đây là nhận định về hành vi giết người man rợ được luật gia Lê Bảo Ngọc phân tích theo quan điểm của tâm lý học tội phạm!
Nơi phát hiện chiếc vali chứa thi thể cô gái người Trung Quốc. Ảnh: Báo Giao thông |
Trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, các tranh chấp và áp lực trong đời sống ngày càng trở nên khốc liệt, kéo theo những vụ án hình sự phức tạp cũng liên tục gia tăng.
Thủ đoạn của tội phạm ngày càng trở nên tinh vi hơn do tác động của những thông tin cực đoan: Phim ảnh và games bạo lực, các tiểu thuyết hoặc bài viết mô tả chi tiết những hành vi chém giết rùng rợn… khiến tâm lý của giới trẻ xuất hiện xu hướng quen dần, tin vào vai trò của bạo lực trong việc giải quyết tranh chấp.
Những trường hợp gây án như vậy chủ yếu xảy ra ở những người trẻ tuổi và trung niên, đặc biệt là những người trẻ ở độ tuổi 20-30. Kết hợp với sự bốc đồng tuổi trẻ và sự coi thường hoặc thiếu kiến thức pháp luật, khi gây án, họ thường bắt chước theo các phương pháp xử lý trong các tác phẩm bạo lực hoặc những vụ án mà họ đã xem qua, và hiếm khi cân nhắc được hậu quả thực tế.
Cả hai nghi phạm lẫn nạn nhân trong vụ án này đều còn trẻ, nằm trong nhóm tuổi đã nêu: Nạn nhân là cô gái họ Bao, 30 tuổi. Nghi phạm Xiao Guiping 27 tuổi là kẻ đã khai nhận trực tiếp giết người, và kẻ đồng phạm đem vứt xác giúp hắn mới 23 tuổi.
Theo tâm lý tội phạm, nguyên nhân thủ phạm phát sinh hành vi giết người man rợ thường dựa trên các mục đích sau:
1. Trả thù cực đoan:
Dựa trên sự căm ghét đối với nạn nhân, hoặc phẫn nộ trước hành vi nào đó của nạn nhân đối với mình, hung thủ cảm thấy việc giết nạn nhân là chưa đủ để thỏa mãn hận thù. Vì vậy mục đích của việc tiến hành tiêu hủy thi thể là để trả thù.
2. Phi tang xác chết, tiêu hủy bằng chứng nhằm che đậy sự thật:
Sau khi gây án, hung thủ thường sẽ tìm cách lẩn tránh, che đậy tội ác để tìm kiếm cơ may thoát được sự trừng trị của pháp luật.
Sau khi giết nạn nhân, tội phạm muốn tìm cách phi tang nhằm che giấu việc nạn nhân đã chết; che giấu nguồn gốc của xác chết hoặc các đặc điểm nhận dạng của nạn nhân bằng cách bí mật đốt xác, chôn giấu hoặc phân xác, phá hủy tử thi... Tất cả là để kéo dài thời gian phát hiện ra xác nạn nhân, gây khó khăn cho tiến trình điều tra, có thêm thời gian cho hung thủ chạy trốn.
Ngoài ra, trong lòng kẻ gây án còn nuôi hy vọng sẽ không bị bại lộ, nếu phi tang xác chết và các phương tiện gây án thành công, hắn sẽ không bị bắt và có thể ung dung sống tiếp cuộc đời của mình.
3. Mục đích khác:
Trong một số vụ án do tội phạm có tâm lý bất thường, biến thái hoặc đã sử dụng chất kích thích, thì việc phá hủy xác nạn nhân còn mang lại cho hắn cảm giác phiêu lưu, kích thích, thỏa mãn. Đó là một dạng tìm kiếm cảm giác mạnh.
Luật gia Lê Bảo Ngọc