+Aa-
    Zalo

    Vụ thầy giáo bị tố dâm ô 7 nam sinh ở Hà Nội: Cần điều chỉnh luật pháp theo hướng tăng nặng hình phạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, những vụ mà giáo viên có dấu hiệu của hành vi dâm ô học sinh cần điều chỉnh luật pháp theo hướng tăng nặng xử phạt để xử lí nghiêm.

    ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, liên quan đến những vụ việc như sàm sỡ trong thang máy chỉ bị phạt 200 nghìn đồng là quá nhẹ. Hoặc những vụ mà giáo viên có dấu hiệu của hành vi dâm ô học sinh… cần điều chỉnh luật pháp theo hướng tăng nặng xử phạt để xử lí nghiêm.

    Mới đây, dư luận đang xôn xao và bày tỏ bức xúc trước thông tin thầy giáo trường THCS Trần Phú (Hà Nội) bị “tố” có hành vi lạm dụng tình dục 7 học sinh nam trong thời gian dài. Nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em nam cũng có nhiều nguy cơ bị xâm hại tình dục, vì vậy vấn đề này cần thiết phải được quan tâm đúng mức để bảo vệ các em. Xung quanh nội dung trên, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi, lắng nghe quan điểm của ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

    Thưa ĐBQH, mấy ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm vụ việc một thầy giáo dạy toán ở Hà Nội bị “tố” có hành vi lạm dụng tình dục 7 học sinh nam. Quan điểm của ông như thế nào về vụ việc này?

    Với vụ việc như thế này, phụ huynh đã tố cáo hành vi của thầy giáo, các cơ quan báo chí cũng đã phản ánh, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ.

    Nếu quá trình điều tra xác định đúng sự thật như đã phản ánh thì phải xử lý nghiêm, sao cho đúng người đúng tội, đồng thời để răn đe các trường hợp khác. Bên cạnh đó, việc xử lý kịp thời cũng là để cảnh báo cho học sinh đề phòng tình trạng bị xâm hại có thể xảy ra.

    Theo Đại biểu, cần phải tăng cường những biện pháp gì để phòng chống tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí là trong chính môi trường giáo dục?

    Tôi cho rằng, đối với Chính phủ, đối với ngành giáo dục cũng nên có giải pháp để xử lí việc này bằng cách mở các khóa tuyên truyền kĩ năng sống, chống bạo lực học đường, chống xâm hại tình dục đối với các em học sinh.

    Trong điều kiện hiện nay phải tổ chức thêm các buổi tập huấn, sinh hoạt ngoại khóa, lớp học thêm để bồi dưỡng những kĩ năng này, vì hiện tại thời lượng học đang bị quá tải.

    Đối với ngành giáo dục, có thể đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ về kinh phí để nâng cao nhận thức cho các em.

    Ngoài ra, phải vận động người dân xã hội hóa trong vấn đề hỗ trợ cho các trường học, các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền kĩ năng sống, cách phát hiện dấu hiệu xâm hại trẻ em và cách tố cáo hành vi vi phạm đó.

    ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (ảnh: Nguyễn Hường).

    Dư luận cho rằng, một số vụ sàm sỡ bị phát hiện trong thời gian gần đây được xử lý còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi gây ra. Vậy, theo ông, có cần đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt, nghiêm minh hơn hay không?

    Liên quan đến những vụ việc như sàm sỡ trong thang máy chỉ bị phạt 200 nghìn đồng là quá nhẹ. Hoặc những vụ mà giáo viên có dấu hiệu của hành vi dâm ô học sinh… cần điều chỉnh luật pháp theo hướng tăng nặng xử phạt để xử lí nghiêm. Bởi, có những hành vi, pháp luật quy định thường chỉ nêu ra định hướng chứ không xử phạt được hoặc xử phạt chỉ mang tính tượng trưng, chưa đủ sức răn đe. Nếu vậy thì sao có thể ngăn chặn được?

    Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng môi trường giáo dục là an toàn đối với các con, nhưng nay lại phát hiện chính các giáo viên trong trường xâm hại các em. Vậy, có cần quy định rõ ràng hơn, khắt khe hơn về chuẩn mực đạo đức nghề giáo hay không?

    Những chuẩn mực đạo đức nghề giáo xưa nay đã có rồi, chỉ có một số cá nhân vẫn vi phạm. Tôi nghĩ, phải dùng các chế tài pháp luật khác mà xử lí!

    Có ý kiến cho rằng, trước kia, người thầy luôn có ý thức về nghề cao quý của mình. Thế nhưng, gần đây, một số giáo viên đã tự đánh mất đi hình ảnh cao quý của người thầy, làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục. Xin cho biết quan điểm của ông về ý kiến này?

    Đã là người thầy phải có tính gương mẫu, thầy phải ra thầy! Đây là điều mà xã hội hiện nay đang cần điều chỉnh và ngành giáo dục cần phải đưa ra những quy chuẩn để các thầy cô rèn luyện, đúng như ý nghĩa về một nghề cao quý.

    Xã hội cũng nên quan tâm đến thầy cô giáo và ngành giáo dục. Chúng ta cần đưa vào xây dựng những luật, tổ chức học tập tuyên truyền hàng năm.

    Mỗi năm, các nhà trường cần có những tiêu chí cụ thể về phẩm chất đạo đức của nhà giáo để bình xét thi đua, đánh giá.

    Trường THCS Trần Phú (Hà Nội), nơi có thầy giáo dạy toán bị “tố” dâm ô 7 học sinh nam (ảnh: NĐT).

    Với vụ việc thầy giáo dạy toán bị “tố” có hành vi lạm dụng tình dục 7 học sinh nam trong suốt thời gian dài, nếu đúng sự thật như vậy thì trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường ra sao?

    Không chỉ ở vụ việc này mà dù trong bất kì vụ việc nào xảy ra cũng đều có trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường.

    Tuy nhiên, cũng còn tùy vào mức độ và sự việc cụ thể, không phải bất cứ việc gì xảy ra cũng quy cho nhà trường và hiệu trưởng. Bởi, cái gì liên quan đến trách nhiệm quản lí về chuyên môn nghiệp vụ thì liên quan đến hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường, còn cái gì là tự phát cá nhân thì rất khó để nói.

    Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, hiệu trưởng có nhiệm vụ phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở đội ngũ giáo viên không vi phạm đạo đức nghề giáo. Đó cũng là điều để đánh giá hiệu trưởng có làm hết vai trò của mình hay không.

    Xin cảm ơn Đại biểu về cuộc trao đổi này!

    Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-thay-giao-bi-to-dam-o-7-nam-sinh-o-ha-noi-can-dieu-chinh-luat-phap-theo-huong-tang-nang-hinh-phat-a270738.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan