(ĐSPL) - "Một câu nói xúc phạm (của bạn hoặc của cha mẹ bạn đối với anh ta) cũng thổi bùng cơn giận trong lòng họ (dù họ có xứng đáng nhận lời xúc phạm đó đi chăng nữa). Một bà mẹ đã đuổi anh chàng ra khỏi nhà và rất có thể đó là một phần lý do anh ta quay lại với nhiều nhát dao sát hại" – Thầy giáo khoa tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ.
[mecloud]gDTmIAiXgu[/mecloud]
"Hận tình" khiến bị can nảy sinh tội ác
Liên quan tới vụ thảm sát tại Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình chết thảm, lực lượng chức năng đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai đối tượng Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Bước đầu, Nguyễn Hải Dương đã thừa nhận là chủ mưu và trực tiếp ra tay sát hại 6 nạn nhân trong công ty gỗ Quốc Anh (Quốc lộ 13, ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước).
Theo lời khai ban đầu của Nguyễn Hải Dương, động cơ dẫn đến việc ra tay thảm sát 6 người tại công ty gỗ Quốc Anh là do “hận tình”, khi bị người yêu cũ Lê Thị Ánh Linh xa lánh. Dương khai nhận trong thời gian yêu Linh, nghi phạm này thường xuyên đến chơi nhà ông Mỹ nên nắm rất rõ sinh hoạt của gia đình cũng như phòng ốc và đường đi lối lại trong ngôi biệt thự trên khu đất rộng khoảng 3.000m2.
Để tìm hiểu sâu hơn mục đích, diễn biến tâm lý của đối tượng Nguyễn Hải Dương dẫn tới những hành vi và thủ đoạn nêu trên, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tâm lý PGS-TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện xã hội học).
Phân tích về lời khai ban đầu của Nguyễn Hải Dương, bị can nói rằng, động cơ dẫn đến việc ra tay thảm sát 6 người tại công ty gỗ Quốc Anh là do “hận tình”, chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình cho biết: “Sau khi bị gia đình nạn nhân hắt hủi, ngăn cấm chuyện tình cảm với Ánh Linh, đối tượng Nguyễn Hải Dương chắc chắn chịu cú sốc tinh thần không nhỏ. Từ một người có tất cả giờ trở thành trắng tay, mất người yêu, mất luôn khoản chu cấp tiền bạc có thể có từ người yêu."
Từ quan điểm trên, chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình cho rằng: "Lý do ban đầu dẫn tới vụ thảm sát có thể là do hận tình, nhưng đằng sau đó vẫn là động cơ đê hèn giết người cướp của. Dương hoàn toàn thông thuộc căn biệt thự cũng như hiểu rõ quy luật sinh hoạt của gia đình nạn nhân, nên việc cướp tài sản đã được tính toán kỹ lưỡng”.
Chuyên gia tâm lý bày cách chia tay người yêu trong an toàn
Từ lời khai ban đầu của bị can Dương, lại một lần nữa người ta phải giật mình vì động cơ đến với tội ác của thanh niên quê An Giang. Hận tình, cộng thêm lòng tham và bản chất lười lao động khiến Dương thiếu kiềm chế và đoạt mạng cả gia đình người yêu.
Liên quan tới vấn đề này, thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM đã chia sẻ về cách giữ an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình sau khi chia tay người yêu.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết: “Từ vụ thảm án vì hận tình mà sát hại 6 mạng người tại Bình Phước cho thấy việc biết cách chia tay trong êm đẹp cũng là cách giữ an toàn tính mạng cho mình và chính gia đình mình”.
Thầy Khắc Hiếu chia sẻ 5 cách để chia tay trong an toàn, hạn chế thấp nhất khả năng làm nảy sinh lòng thù hận:
Không nên quyết định chia tay quá đột ngột. Hãy có bước đệm để cả hai chuẩn bị tâm lý thích nghi dần với nỗi đau này. Nếu đối phương nài nỉ, nên giải thích rõ lý do rồi hẹn "tạm chia tay" để hai bên có thêm thời gian suy nghĩ kĩ, sau đó tìm cách khéo léo buông bỏ dần dần.
Không xúc phạm nhau. Một câu nói xúc phạm (của bạn hoặc của cha mẹ bạn đối với anh ta) cũng thổi bùng cơn giận trong lòng họ (dù họ có xứng đáng nhận lời xúc phạm đó đi chăng nữa). Một bà mẹ đã đuổi anh chàng ra khỏi nhà và rất có thể đó là một phần lý do anh ta quay lại với nhiều nhát dao sát hại. Một que diêm có thể đốt cháy cả khu rừng, một lời xúc phạm sẽ đốt cháy nhiều thứ hơn ta tưởng. Hãy cố gắng dùng những lời lẽ kiềm chế nhất.
Không phủ nhận sạch trơn quá khứ. Không nên bảo "Quen anh tôi chẳng được gì!" hay "Thằng đào mỏ!", "Xem như mấy năm qua chưa hề tồn tại đi!", "Tôi không còn yêu anh nữa!"... Những câu ấy là con dao hai lưỡi, cứa vào tim anh ta và có thể sẽ quay ngược đâm lại chính mình.
Không nên khiêu khích cơn ghen tức. Khi mới chia tay, hạn chế thấp nhất khả năng anh ta biết mình có người yêu mới (dù điều này chẳng có gì sai cả). Hạn chế thể hiện tình cảm với người yêu mới ở những nơi mà anh ta dễ dàng nhìn thấy. Đó vừa là phép lịch sự, vừa là cách tự bảo vệ mình.
Không phũ phàng để họ có cảm giác bị bỏ rơi. Hết tình thì còn nghĩa. Thỉnh thoảng nên gọi điện thoại thăm hỏi tình hình của đối phương (nếu họ không phản đối) để anh ấy không có cảm giác bị bạn bỏ rơi. Một cuộc gọi sẽ an ủi và hoá giải được nhiều cảm xúc của anh ấy hơn bạn tưởng. Tuy nhiên, chỉ quan tâm vừa phải để họ không hiểu lầm rằng ta muốn quay lại và nuôi hy vọng.
"Ngoài ra, hãy nhờ người thân, bạn bè, những người xung quanh anh ấy chăm sóc an ủi động viên, để anh ấy nhận ra rằng còn rất nhiều người khác quan tâm mình. Nói chung, bạn gái cần tùy người, tùy hoàn cảnh mà linh hoạt để nghĩ cách chia tay khéo léo nhất. Vì những vụ gần đây cho thấy bạn gái thường là đối tượng phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ các cuộc chia tay. Còn các chàng trai cũng cần phải nhớ: cuộc đời là một con đường không bằng phẳng. Chuyện tình yêu không phải lúc nào cũng như ý. Nếu "mảnh ghép" kia không khớp với mình, thay vì trả thù bằng những "chiêu", "đòn" thì hãy dũng cảm chấp nhận sự thật, đó mới là bản lĩnh đàn ông!" - Thầy giáo khoa Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ.
XUÂN TÙNG(Thực hiện)
[mecloud]hwnpW7Viyo[/mecloud]