Liên quan vụ tài xế bị giết, vứt xác ở khe núi tại Hòa Bình, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc chủ hiệu cầm đồ nhận cầm cố chiếc ô tô tang vật có bị xử lý hình sự?
1 trong 2 đối tượng (ảnh nhỏ) đã ra tay giết hại tài xế, rồi vứt xác ở khe núi tại Hòa Bình (ảnh lớn). |
Liên quan vụ tài xế bị giết, vứt xác ở khe núi tại Hòa Bình, cơ quan công an đã bắt giữ 2 đối tượng về hành vi giết người, cướp tài sản.
Nạn nhân là anh Nguyễn Văn N. (SN 1982, trú tại huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). Sau khi sát hại anh N. vào rạng sáng ngày 4/9, 2 đối tượng trên đã cướp toàn bộ tài sản của nạn nhân và giấu xác nạn nhân tại khe núi.
Tiếp đó, các đối tượng mang xe ô tô của nạn nhân đến cầm cố tại một hiệu cầm đồ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, lấy 20 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Liên quan đến tình tiết này, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc chủ hiệu cầm đồ nhận cầm cố chiếc ô tô tang vật có bị xử lý hình sự hay không?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật gia Ánh Dương (Hà Nội) cho biết: “Điều 323, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT- BCA- BQP- BTP-NHNNVN-VKSNDTC- TANDTC cũng quy định: Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi gồm mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.
Về mặt chủ quan của tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nhưng không có hứa hẹn, bàn bạc hoặc thỏa thuận trước với người có tài sản do phạm tội mà có”.
2 nghi phạm giết tài xế, vứt xác ở khe núi. |
Luật gia Ánh Dương phân tích: “Như vậy, theo quy định của pháp luật, nếu có đủ căn cứ xác định chủ hiệu cầm đồ biết rõ chiếc xe ô tô là tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn cố tình nhận cầm cố thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ngược lại, nếu chủ hiệu cầm đồ không hề biết chiếc ô tô mà mình đang nhận cầm cố là tài sản do người khác cướp được thì sẽ không thỏa mãn dấu hiệu của tội trên và sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng: “Trong trường hợp, tuy chủ hiệu cầm đồ không biết rõ tài sản do phạm tội mà có nhưng khi nhận cầm cố tài sản ô tô mà chưa đúng quy định về cầm cố tài sản thì sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm e, khoản 2, Điều 11, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi “cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố”. Mức hình phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng”.
Điều 323, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: 1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm: a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Nguyễn Hường/Người Đưa Tin