Người đứng đầu Cơ quan quản lý Kênh đào Suez khẳng định thời tiết không phải nguyên nhân chính khiến siêu tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt trên kênh đào này.
Hình ảnh siêu tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez nhìn từ trên cao. Ảnh: Maxar |
Hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie ngày 27/3 (giờ địa phương) cho biết, gió mạnh hay thời tiết không phải nguyên nhân chính khiến tàu chở hàng Ever Given mắc cạn trong kênh đào này.
"Gió mạnh và thời tiết không phải nguyên nhân chính khiến tàu Ever Given mắc cạn, có thể đã có lỗi con người hoặc kỹ thuật. Những yếu tố đó sẽ được làm rõ trong cuộc điều tra", ông Rabie khẳng định trong cuộc họp báo cùng ngày về diễn biến vụ giải cứu tàu trên.
"Có thể do lỗi kỹ thuật hoặc con người", người đứng đầu SCA nói thêm, đồng thời cho biết tất cả những yếu tố này sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra.
Dự báo về thời điểm con tàu có thể nổi trở lại, ông Rabie cho rằng điều đó tùy thuộc vào khả năng thích ứng của con tàu đối với thủy triều.
Ông Rabie cho biết chân vịt và bánh lái của tàu Ever Given đã có thể chuyển động từ tối 26/3 nhưng tiếp tục bị kẹt do thủy triều thay đổi. Hiện 14 tàu kéo đã được huy động cho quá trình giải cứu tàu mắc cạn.
Trước đó, thông tin từ 2 quan chức quốc phòng cho biết lực lượng Hải quân Mỹ ở Trung Đông lên kế hoạch điều một đội chuyên gia nạo vét tới kênh đào Suez, sớm nhất là ngày 27/3, để hỗ trợ Ai Cập giải cứu "siêu tàu" chở hàng Ever Given.
Theo CNN, Chính phủ Ai Cập đã chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của Mỹ thông qua Đại sứ quán Mỹ ở Cairo. SCA cũng hoan nghênh lời đề nghị này.
Tàu Ever Given dài 400m, hơn chiều dài 4 sân bóng đá cộng lại, bị lệch sang một bên và mắc cạn hôm 23/3. Tàu chắn ngang kênh đào khiến tàu bè từ hai hướng không thể đi qua.
Đến nay, khoảng 300 tàu hàng đang chờ ở hai đầu kênh đào Suez do sự cố, trong khi Ai Cập mất khoảng 12-14 triệu USD doanh thu mỗi ngày vì ách tắc.
Kênh đào Suez, nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải, là nguồn thu ngoại tệ rất quan trọng của Ai Cập, với doanh thu đạt 5,6 tỷ USD trong năm 2020. Khoảng 12% giao thương thế giới đi qua Kênh đào Suez và là tuyến huyết mạch đường thủy nhanh nhất kết nối giữa châu Âu và châu Á.
Hoa Vũ (T/h)