(ĐSPL) - Theo tính toán, đội cứu hộ đã gần đến điểm cuối của đường hầm khai thác than, nơi xác định sẽ tìm thấy 2 công nhân mắc kẹt.
[mecloud] jMz8RUkwGN[/mecloud]
Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ ông Hoàng Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm cấp cứu mỏ - Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam cho biết: Tính đến 12h20 ngày 21/11, công tác cứu hộ cứu nạn vẫn đang tiếp tục được các lực lượng phối hợp khẩn trương thực hiện.
Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận đến chân thượng (ngách khai thác than đi lên phía trên) thứ 2 trong đường lò ở khoảng cách khoảng 700m tính từ cửa lò.
Theo tính toán, chỉ còn khoảng 6-7m nữa là đến điểm cuối của đường hầm khai thác than. Đây là điểm được xác định sẽ tìm thấy 2 công nhân mắc kẹt.
Đường hầm nhỏ hẹp nên công tác tìm kiếm càng khó khăn. (Ảnh Tuổi Trẻ). |
Tuy nhiên, đây cũng là điểm sập chính nên công tác cứu hộ cứu nạn vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng bùn, đất và nước vẫn còn nhiều và tiếp tục sạt lở xuống đường hầm. Do vậy, trong sáng 21/11, Ban chỉ huy cứu hộ cứu nạn tại hiện trường đã tăng thêm lực lượng cứu hộ cứu nạn trong đường hầm từ 20 người lên 30 người/ca.
Có mặt tại hiện trường sáng 21/11, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã động viên lực lượng cứu hộ đang làm việc trong hầm lò thông qua hệ thống thông tin nội bộ do Trung tâm cấp cứu mỏ - Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam thiết lập.
[mecloud]kqkOJtotn4[/mecloud]
Sau 4 ngày, trong đường hầm vẫn còn nhiều bùn và nước. Theo tính toán của lực lượng cứu hộ, lượng nước chảy từ hầm vẫn còn đạt lưu lượng 4m3/giờ.
Nắm bắt được tình hình khó khăn trước mắt nên lực lượng công binh và nhân viên Trung tâm cấp cứu mỏ - Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác trinh sát tình hình thực tế địa chất trong đường lò để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường gây ảnh hưởng đến công tác cứu hộ cứu nạn.
Lực lượng cứu hộ không quản ngày đêm tìm kiếm nan nhân. (Ảnh: Tuổi Trẻ). |
Do đường lò chật, hẹp với chiều rộng chỉ khoảng từ 1,2 - 1,4m; chiều cao từ 1,6 - 1,7m nên việc vận chuyển đất đá theo phương pháp thủ công của các lực lượng cứu hộ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đó, trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng CA huyện Tân Lạc cho biết, trưa ngày 20/11, bước vào ngày tìm kiếm thứ 4, các lực lượng thuộc đội cứu hộ vẫn không quản ngày đêm tìm kiếm lật từng thớ đất, lật từng mảng đá để đến được vi trí hai công nhân mắc kẹt. Tuy nhiên, hai nạn nhân Bùi Văn T. (23 tuổi) và Bùi Văn Q. (23 tuổi, cùng ở xã Phú Lương, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) vẫn chưa được tìm thấy.
Theo báo cáo của công ty cứu hộ mỏ Vina-Comin, sau khi phá được hòn đá to chặn đường vào vị trí hai nạn nhân bị nạn thì lại tìm ra rất nhiều lối mới, gồm nhiều ngách trong hầm lò, chằng chịt. Chính vì điều này rất khó xác định mục tiêu tìm kiếm.
Thêm một khó khăn nữa, lực lượng cứu hộ hiện không có bản đồ hầm lò, vì vậy quá trình tìm kiếm lại gặp thêm rất nhiều trở ngại.
Như vậy, kết hợp với các chiến sĩ quân đội, công an, con số tham gia cứu nạn trực tiếp đã lên tới gần 500 đồng chí.
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]FZzJwLIQ2p[/mecloud]