+Aa-
    Zalo

    Vụ sập giàn giáo Hà Tĩnh: Tiết lộ tình tiết gây sốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi đã may mắn sống sót, nhiều công nhân xác định, sẽ không bao giờ đặt chân trở lại Formosa.

    (ĐSPL) - Khi đã may mắn sống sót, nhiều công nhân xác định, sẽ không bao giờ đặt chân trở lại Formosa. Tất nhiên, khi không còn liên đới về mặt quyền lợi, họ sẵn sàng tiết lộ những câu chuyện “gây sốc”, liên quan đến hợp đồng lao động cũng như những cơn “ác mộng” họ đã trải qua trong thời gian làm việc tại Vũng Áng.

    Từ công trường Formosa (Hà Tĩnh) trở về sau vụ sập giàn giáo kinh hoàng xảy ra ngày 25/3, nhiều công nhân đã thẳng thắn “tố” đơn vị cung ứng lao động Nibelc áp dụng chế độ làm việc hà khắc. Có rất nhiều bất cập cần được làm rõ, nhưng thật khó tin, đại diện của Nibelc xem như không hề có chuyện gì. Trong khi đó, các cơ quan liên đới ở địa phương cũng coi như đó là việc của ai và không hề có động thái để phối hợp giải quyết vụ việc.

    Hiện trường vụ tai nạn ở Formasa hôm 25/3.

    Một ngày làm việc 12 đến 16 tiếng

    “Nếu vụ sập giàn giáo ở Formosa không xảy ra thì tôi quyết không nói ra bất cứ điều gì. Nhưng bây giờ, tôi không giấu nữa, có đuổi việc, tôi cũng phải kể ra...”, đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn D. (SN 1982, xã Lâm Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, làm việc ở tổ vận hành, thuộc khu vực giàn giáo vừa bị sập) khi nói về chế độ lao động tại công trường Formosa (Hà Tĩnh).

    Anh D. cho biết: “Theo thống kê, xã Lâm Trạch có khoảng hơn 50 người làm việc tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), trong đó chủ yếu làm tại công trường Formosa. Sau vụ tai nạn, các công nhân đều về quê. Hiện, họ đều rơi vào thế khó nếu nghỉ việc thì không có thu nhập, giúp đỡ gia đình, nhưng đi làm thì lại sợ tai nạn tiếp tục xảy ra...”.

    Xem video: Vụ sập giàn giáo ở Fomosa: 21 nạn nhân đã qua cơn nguy kịch

    Qua trao đổi, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện đáng suy ngẫm của những công nhân đang trực tiếp làm việc tại Formosa. Theo những công nhân này kể lại, thời gian làm việc tại công trường được chia làm hai ca, ca ngày được tính từ 7h sáng đến 7h tối, ca đêm từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau. Như vậy, một ca, họ phải làm 12 tiếng, được nghỉ một tiếng để ăn uống, nghỉ ngơi giữa ca. Tuy nhiên, đó là thời gian làm, nếu tính cả thời gian chờ nữa là 16 tiếng. “Buổi sáng, chúng tôi phải dậy từ 4h sáng, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chờ xe đón công nhân đến công trường. 7h bắt đầu làm việc, đến 8h tối mới được về ký túc xá nghỉ ngơi”, anh Nguyễn Văn P. (SN 1983, công nhân làm sắt, cách chỗ sập giàn giáo khoảng 20m) cho biết. Thời gian chờ và thời gian làm việc quá dài khiến nhiều công nhân mệt mỏi, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đều âm thầm chịu đựng. Bởi nếu lên tiếng, quyền lợi chẳng những không có mà còn dễ bị đuổi việc.

    Làm việc hơn hai năm ở đây, anh D. cùng nhiều công nhân khác tự đúc rút cho mình kinh nghiệm: “Im lặng là vàng. Chúng tôi không biết công ty Samsung hỗ trợ chế độ ăn uống là bao nhiêu, nhưng chỉ biết rằng, qua công ty Nibelc, chế độ ăn uống để đáp ứng nhu cầu lao động cho công nhân là không đủ chất dinh dưỡng. Ví dụ, đầu tiên họ làm món cá rán, rán đi rán lại, sáng ăn không hết, họ để chiều; chiều ăn không hết, họ để cho ca đêm; sau đó mới chuyển sang kho; kho ăn không hết, họ chuyển sang nấu canh; canh ăn thừa thì họ mới đổ đi”.

    Nhiều công nhân kể lại, gặp tình cảnh như vậy, họ đã từng đình công nhưng những người âm thầm thì không sao, còn những người nói to, phản ứng mạnh thì sẽ nhận được cái kết không có hậu! Công ty không đuổi việc ngay lúc đó, nhưng làm được một thời gian sau, họ mới cho nghỉ việc. Chính vì vậy, sau này, dù có chuyện gì xảy ra, công nhân đều cúi đầu, lặng lẽ làm việc, không dám đình công nữa.

    Những bất ổn trong hợp đồng

    Theo bản hợp đồng chúng tôi có được, người lao động sẽ được xem xét nâng lương 6 tháng một lần. Tuy nhiên, trong số những công nhân mà chúng tôi tiếp xúc, họ đều trả lời chưa được nâng lương lần nào. Điển hình là anh Nguyễn Văn H. (SN 1975), làm việc tại Formosa từ ngày 01/02/2013, đến nay đã hơn hai năm nhưng chưa từng được tăng lương: “Lương của chúng tôi được tính theo giờ, một giờ họ trả 21.538 đồng. Theo hợp đồng, 6 tháng tăng lương một lần, nhưng từ khi tôi vào đến nay, chưa từng thấy tăng lương cho công nhân”.

    Anh Nguyễn Văn D. cho biết thêm: “Công nhân làm việc ở đây chỉ biết đến phạt thôi, chứ có làm tốt đến bao nhiêu cũng không được thưởng. Theo đó, nếu công nhân phạm lỗi, hình thức phạt sẽ là lập biên bản kèm theo số tiền bị phạt, cứ ba biên bản, tương đương với ba lần phạm lỗi, công nhân sẽ bị thanh lý hợp đồng (đuổi việc- PV). Sau này còn có thêm hình thức, không cần bị lập biên bản ba lần, chỉ cần phạm lỗi nặng là bị đuổi. Làm ở đó nơm nớp lo sợ”.

    Theo mức phạt mà công nhân cung cấp, đeo giày không đúng cách sẽ bị phạt 300.000 đồng cùng một biên bản; mài phom không có kính phạt 150.000 đồng. Năm 2013, nếu một công nhân nghỉ không lý do, sẽ bị phạt 600.000 đồng/ngày, nhưng từ năm 2014, công nhân nghỉ không lý do, sẽ bị phạt 150.000 đồng cùng một biên bản... Công nhân ăn thừa cơm, đổ đi cũng bị phạt một biên bản và trừ tiền 150.000 đồng. Sau một thời gian, khi có người mua thức ăn thừa thì họ mới không phạt nữa.

    Sau ngày trở về từ Formosa, anh Vũ Thanh Ngọc (SN 1970, trú xóm 5, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) gầy hẳn đi, ít nói, trong ánh mắt đầy vẻ lo âu. Ám ảnh về cảnh bạn bè của mình gặp nạn ngay trước mắt khiến anh Ngọc chẳng thể nào ngủ được. “Làm việc tại công trường Formosa áp lực rất lớn, cường độ cao không phải ai cũng chịu được. Nhiều người đã phải nghỉ việc. Vì thế, công trường liên tục phải tuyển công nhân và hầu như đều là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo”, anh Ngọc chia sẻ.

    Anh Ngọc cho biết thêm, anh đã làm việc 2 năm nay, vừa mới hết hợp đồng lao động và cũng vừa ký hợp đồng mới 6 tháng. Trong hợp đồng lao động ghi rõ là: “Thời gian làm việc cơ bản là 8h/ngày và 48h/tuần, từ thứ Hai đến hết thứ Bảy hàng tuần”. Ngoài ra, trong hợp đồng còn có ghi giờ làm việc bao gồm thời gian làm việc cơ bản và thời gian làm thêm. Thời gian làm thêm phụ thuộc vào nhu cầu công việc và sự tự nguyện của công nhân.

    “Chồng tôi cũng chỉ mới làm được 25 ngày, nhưng ngày nào anh cũng gọi điện về nói mệt mỏi lắm mà cũng không dám xin nghỉ, vì phía Nibelc có những quy định chặt chẽ, thương chồng nhưng tôi cũng chỉ biết động viên chồng cố gắng”, chị Hứa Hồng Hạnh, vợ anh Phạm Văn Hùng, một trong 13 công nhân tử nạn cho biết.

    Anh Hoàng Anh Dũng (trú xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) lắc đầu: “Tôi may mắn không phải làm ban đêm. Đó là sự phân công, chứ ở công trường này, không có sự lựa chọn nào cho sự tự nguyện của công nhân. Chúng tôi đã chấp nhận làm công việc tay chân thì làm gì còn dám lựa chọn hay đòi hỏi gì nữa. Hầu hết các công nhân đều cố gắng làm đủ 12 tiếng, nếu không lấy gì nuôi vợ con”.

    Anh Dũng cho biết thêm, anh và nhiều công nhân khác của Nibelc chẳng được đào tạo gì nhiều. Cứ nộp hồ sơ xong mà được nhận là đi làm luôn. Sau khi được phân công nhiệm vụ, tất cả mọi người sẽ được học 1-2 buổi về an toàn lao động mà thôi. Còn công việc thì người sau nhìn người trước mà làm. Được biết, anh Dũng cũng chỉ mới đi làm được gần 1 tháng, sau khi xảy ra vụ tai nạn, anh cùng nhiều công nhân khác tạm nghỉ việc.

    (Còn nữa)

    NHÓM PVMT

     Xem thêm video:

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-sap-gian-giao-ha-tinh-tiet-lo-tinh-tiet-gay-soc-a91773.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan