+Aa-
    Zalo

    Vụ phi công quốc tịch Pakistan nghi sử dụng bằng giả: Vietnam Airlines Group nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đại diện Vietnam Airlines khẳng định, hãng không sử dụng phi công mang quốc tịch Pakistan hoặc có bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.

    Đại diện Vietnam Airlines khẳng định, hãng không sử dụng phi công mang quốc tịch Pakistan hoặc có bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.

    Sau yêu cầu của bộ GTVT đề nghị rà soát lực lượng phi công nước ngoài đang làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines Group vừa có thông tin chính thức.

    Vietnam Airlines khẳng định, hãng không sử dụng phi công mang quốc tịch Pakistan hoặc có bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp. Ảnh minh họa: Pháp luật TP.HCM 

    Cụ thể, thực hiện yêu cầu của bộ GTVT và cục Hàng không Việt Nam về việc rà soát phi công nước ngoài có quốc tịch Pakistan hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO đã kiểm tra và khẳng định hiện tại toàn bộ phi công nước ngoài của các hãng không mang quốc tịch Pakistan hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.

    Thông tin từ Vietnam Airlines Group, các hãng hàng không thuộc Group luôn chủ trương sàng lọc và lựa chọn các phi công nước ngoài từ những đơn vị cung cấp chuyên nghiệp, uy tín.

    Các hãng đều không tuyển dụng phi công nước ngoài từ những quốc gia có uy tín không cao trong đảm bảo tuyệt đối an toàn bay hoặc thường xuyên xảy ra các sự cố uy hiếp hay làm mất an toàn khai thác.

    Đại diện hãng hàng không cho hay: "Để chủ động đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn lực phi công, đặc biệt là phi công Việt Nam nhằm hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nguồn lực phi công nước ngoài, với vai trò Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines đã đầu tư và đưa vào hoạt động hai trung tâm đào tạo phi công hàng đầu Việt Nam là Trung tâm huấn luyện bay FTC (từ năm 1998) và Trường đào tạo phi công Bay Việt (từ năm 2009)".

    "Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng là hãng hàng không tiên phong tại Việt Nam đầu tư xây dựng tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay (SIM) để đào tạo, kiểm tra và duy trì năng định lực lượng người lái với mục tiêu 100% phi công Việt Nam và nước ngoài đảm bảo tiêu chuẩn an toàn bay", đại diện hãng hàng không cho biết.

    Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, đội bay của Vietnam Airlines và VASCO gồm có 850 phi công Việt Nam và 106 phi công nước ngoài.

    Tỷ lệ phi công là người Việt chiếm tới gần 90% lực lượng người lái của hai hãng, tăng 50% so với một thập kỷ trước đây. Đội bay của Jetstar Pacific hiện có 60 phi công Việt Nam và 145 phi công nước ngoài.

    Liên quan đến sự việc, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện có 27 phi công người Pakistan đang lao động và làm việc tại Việt Nam. Cục hàng không đã tạm dừng bay đối với các phi công này.

    Trước đó, ngày 27/6, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc rà soát lực lượng phi công nước ngoài đang làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam.

    Theo đó, văn bản số 6223/BGTVT-VT của bộ GTVT đã yêu cầu cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp.

    Cục Hàng không Việt Nam cũng được yêu cầu rà soát, tạm dừng nhiệm vụ bay đối với các phi công quốc tịch Pakistan đang làm việc cho các hãng hàng không của Việt Nam để kiểm tra tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ; Rà soát, xác minh tính xác thực đối với bằng cấp, chứng chỉ của tất cả các phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam và xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo.

    Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kết quả rà soát về bộ Giao thông Vận tải trước ngày 31/7/2020.

    Ngày 26/6, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan thông báo, cơ quan hàng không dân dụng nước này đã quyết định cấm bay đối với 262 phi công bị nghi ngờ gian lận trong các cuộc thi năng lực bay, sau một vụ điều tra gây quan ngại toàn cầu.

    Ngày 22/5 vừa qua, chuyến bay PK 8303 của hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) chở 99 người, trong đó có tám thành viên phi hành đoàn, đã đâm vào khu dân cư ngay trước khi hạ cánh xuống sân bay Karachi, Pakistan. Vụ tai nạn khiến 97 người thiệt mạng và gây thiệt hại đáng kể cho nhà dân.

    Quyết định điều tra được đưa ra sau khi phát hiện các phi công điều khiển chiếc máy bay xấu số không tuân thủ những quy trình xử lý kỹ thuật tiêu chuẩn và phớt lờ luôn cả các thông tin cảnh báo từ hệ thống kiểm soát không lưu.

    Ông Ghulam nói rằng sau khi điều tra sơ bộ, "máy bay không gặp vấn đề kỹ thuật nào vào thời điểm đó và phù hợp 100% điều kiện cho chuyến bay". "Cơ trưởng và cơ phó đã không tập trung. Họ đã nói chuyện về virus SARS-CoV-2 lúc đó", Bộ trưởng hàng không Pakistan nói.

    Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện rằng, có một số phi công không có tên trong bất kỳ giấy tờ nào nhưng vẫn lấy được giấy phép.

    Ngoài ra, ông Ghulam cũng đề cập đến việc bổ nhiệm phi công "đôi khi không phụ thuộc vào kinh nghiệm bay, mà chỉ dựa vào quan hệ chính trị".

    Hiện tại, Bộ Hàng không Pakistan đang điều tra vụ việc. Cho đến nay, ít nhất 9 phi công đã thừa nhận sử dụng "giấy phép giả".

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-phi-cong-quoc-tich-pakistan-nghi-su-dung-bang-gia-vietnam-airlines-group-noi-gi-a328885.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan