Xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân
Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin (địa phận xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) mà các cơ quan báo chí đã phản ánh, Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tỏa Tình để làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng thông trái quy định trên địa bàn.
Tại Quyết định số 1613 ngày 22/7 (do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo Vũ Văn Đức ký), Ủy ban Nhân dân huyện tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lầu A Dùa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tỏa Tình, nhiệm kỳ 2021-2026 do đã để xảy ra tình trạng khai thác rừng thông trái quy định của pháp luật tại khu vực bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình. Thời gian tạm đình chỉ công tác từ ngày 23/7 đến hết ngày 6/8.
Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo yêu cầu Ủy ban Nhân dân xã Tỏa Tình khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan (chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân) để xảy ra tình trạng khai thác rừng thông trên địa bàn xã...
Rừng phòng hộ bị khai thác trái phép
Trước đó, báo chí đã phản ánh tình trạng rừng thông trồng trên đèo Pha Đin theo Dự án 327 và Dự án 661 có diện tích hơn 100ha, độ tuổi hàng chục năm bị khai thác trái phép. Việc này đã khiến cảnh quan môi trường tự nhiên trên đèo Pha Đin (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 3087/QĐ- BVHTTDL ngày 27/10/2020) bị xâm hại, biến dạng nghiêm trọng.
Theo thống kê ban đầu của lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn, khu vực rừng bản Hua Sa A (xã Tỏa Tình) có gần 530 gốc cây thông bị chặt hạ, đo đếm được hơn 1.020 lóng gỗ với khối lượng khoảng gần 60m3 (còn lại khoảng 200 gốc đã bị chặt hạ và khoảng 100 lóng, khúc đang trong quá trình kiểm đếm). Tổng diện tích san ủi mở đường vào rừng dùng để vận xuất, vận chuyển gỗ là hơn 5.100m2 khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật về lâm nghiệp, mức độ vi phạm là rất nghiêm trọng.
Đại diện một đơn vị thu mua gỗ của người dân trên đèo Pha Đin cho biết, việc thu mua, khai thác gỗ đơn vị có làm hợp đồng mua bán với từng hộ dân và có 60 hộ đồng ý bán gỗ. Đến ngày 13/7, đơn vị thu mua đã cắt hạ, khai thác xong tại diện tích rừng thông của khoảng 10 hộ dân. Tại buổi làm việc với báo chí, chính quyền xã Tỏa Tình khẳng định, đến ngày 12/7, các đơn vị thu mua đã khai thác được hơn 310m2 gỗ.
Sau phản ánh của các cơ quan báo chí, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, cơ quan chức năng liên quan đã kiểm tra, điều tra, xem xét xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu đã để xảy ra tình trạng trên.
Sau phản ánh của các cơ quan báo chí, UBND tỉnh Điện Biên, cơ quan chức năng liên quan đã kiểm tra, điều tra, xem xét xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu đã để xảy ra tình trạng trên. Tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, khẳng định: Diện tích rừng thông đã bị khai thác tại bản Hua Sa A là rừng phòng hộ được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước, bàn giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ. Như vậy, việc người dân tự ý khai thác là vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác, quản lý và bảo vệ rừng. Theo nhận định của chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, đây là vụ vi phạm lâm luật nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm hình sự.
Để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan theo chỉ đạo của ông Lò Văn Tiến tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo vào ngày 15/7, ngay trong ngày 16/7, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đinh Văn Cường- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo để làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng khai thác rừng thông trái quy định của pháp luật tại khu vực bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình.
Ngay sau đó, tỉnh Điện Biên đã có văn bản yêu cầu UBND huyện và UBND xã Tỏa Tình khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm. Từ đó xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan (chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân), để xảy ra tình trạng khai thác rừng thông trên địa bàn xã; làm rõ các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
M.VY (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (30)