Liên quan đến vụ ô tô tông liên hoàn 17 xe máy ở Hà Nội, ngày 6/4, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và tạm giữ để điều tra đối với tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (SN 1960, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Qua báo cáo sơ bộ, công an bước đầu xác định nguyên nhân vụ tai nạn là do tài xế đạp nhầm chân ga.
Chia sẻ quan điểm về vụ việc với PV VOV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp dưới góc độ pháp lý, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người đàn ông này đã đạp nhầm chân ga khiến chiếc xe lao đi về phía trước dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người đàn ông này về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 bộ luật hình sự.
“Theo quy định của pháp luật thì ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ. Người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, phải tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông. Khi đến điểm giao cắt có đèn đỏ thì tất cả các phương tiện phải dừng lại, khi đèn xanh bật sáng thì mới được phép di chuyển”, luật sư Cường phân tích.
Bởi vậy, trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô này đã không tuân thủ quy định của luật giao thông đường bộ, không chấp hành quy định về báo hiệu đường bộ, khi thấy đèn đỏ ở ngã tư mà không dừng xe gây tai nạn giao thông hoặc đã đạp nhầm chân ga dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự thì người nào có lỗi khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây ra thiệt hại nghiêm trọng (như hậu quả chết người hoặc thương tích cho nhiều người mà thương tích 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên) thì người điều khiển phương tiện trong tình huống này sẽ bị xử lý hình sự.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển phương tiện này đã có lỗi không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra và vụ tai nạn gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122 % đến 200 % hoặc chết 2 người trở lên thì người điều khiển phương tiện này sẽ phải chịu khung hình phạt là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm theo quy định tại khoản 2, điều 260 bộ luật hình sự nêu trên.
Trường hợp hậu quả được xác định là khiến 3 người chết trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
“Trường hợp người điều khiển phương tiện này không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên vẫn phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và tiền tổn thất về tinh thần tới 50 tháng lương cơ bản đối với mỗi nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra”, luật sư Cường phân tích.
Cùng quan điểm, luật sư Đặng Phương Chi, Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích thêm, trong trường hợp xe ô tô mất phanh, thì việc xác định tài xế có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình hay không cần dựa vào kết quả trưng cầu giám định và kết luận điều tra của cơ quan có thẩm quyền nhằm xác định chính xác. Chỉ khi có căn cứ xác định thì tài xế Vĩnh thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Chương IV Bộ luật hình sự 2015.