Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, việc nữ trưởng phòng mượn bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến đang được tiến hành xác minh kỹ lưỡng từng bước, không có chuyện Tỉnh ủy im hơi lặng tiếng.
Giao ban báo chí định kỳ tháng 9 do Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức. Ảnh: Dân Trí |
Dân Trí đưa tin, chiều ngày 14/10, tại buổi Giao ban báo chí định kỳ tháng 9/2019 do Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức, liên quan đến vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) mượn bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến và giữ chức vụ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Nguyễn Cảnh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định vụ việc đang được thường trực Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý nghiêm minh.
Cũng theo ông Cảnh, thời gian qua, có không ít báo, trang mạng đưa nhiều thông tin vụ việc không thực sự chính xác và giật tít "hơi quá" khiến vụ việc bị khai thác quá mức, nhất là trong vấn đề đời tư.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng cho rằng, vụ việc liên quan đến bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) đến nay tất cả chỉ từ đơn tố cáo nặc danh và bản tường trình của cá nhân của bà Sa nên các đơn vị có liên quan đều đang tiến hành xác minh kỹ lưỡng từng bước, không có chuyện Tỉnh ủy im hơi lặng tiếng.
“Hiện việc này vẫn đang được tiếp tục triển khai một cách thận trọng, kỹ lưỡng, không thể nóng vội. Vì bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) là cán bộ của Tỉnh ủy, nên khi đã rõ các sai phạm, tùy mức độ vi phạm, Thường trực Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo chuyển hồ sơ sang Ủy ban Kiểm tra hoặc cơ quan Điều tra để xử lý nghiêm minh, kể cả xử lý những người tiếp tay để bà Sa (giả) đánh tráo nhân thân, theo đúng các quy định của Đảng, của pháp luât”, Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Cảnh.
Như đã đưa tin trước đó, Trưởng phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã bị tố cáo gian dối khi kê khai lý lịch. Cụ thể, bà Sa có tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Thảo (SN 1975) và mới chỉ học hết cấp 2 nhưng đã dùng bằng cấp 3 của chị gái mình (hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để xin đi làm, học thêm và thăng tiến trong công việc.
Sau đó, Văn phòng Tỉnh ủy xác nhận đơn tố cáo là đúng sự thật. Bà Thảo cũng đã chủ động làm tờ trình xin nghỉ việc và thừa nhận “do điều kiện khó khăn, tuổi đời còn trẻ nên nhận thức chưa đầy đủ. Việc dùng bằng cấp của chị chỉ nhằm mục đích kiếm một công việc để sinh sống chứ hoàn toàn không có một mục đích nào khác”.
Tuy nhiên, qua xác minh bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (thật) khẳng định bà chỉ có em gái tên Trần Thị Ngọc Thêm (SN 1975) chứ không phải tên Thảo.
Trả lời báo chí, một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết, bà Thảo có tên hồi nhỏ là Thêm, sau mới đổi thành Thảo và cái tên Trần Thị Ngọc Thêm, Trần Thị Ngọc Thảo hay Trần Thị Ngọc Ái Sa đều là một người.
Bạch Hiền (t/h)